Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết để đảm bảo nguồn cung ứng, từ đầu năm 2022, Bộ Y tế đã tập trung mọi nguồn lực vào việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, do vậy đến nay đã gia hạn được hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc có hiệu lực đến hết năm 2022.

Tính tại thời điểm hiện tại đang có hơn 21.800 thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng trên 700 hoạt chất các loại nên cơ bản đảm bảo được nguồn cung thuốc trên thị trường.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược theo hướng gia hạn tự động Giấy đăng ký lưu hành thuốc nhằm cải cách tối đa thủ tục hành chính.

Thứ hai, bổ sung các đơn vị thẩm định là các trường đại học dược, đại học y, dược trực thuộc Bộ Y tế để tăng cường việc thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng xây dựng các biện pháp nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời đối với các thuốc hiếm, thuốc có nguồn cung hạn chế, đó là xem xét, kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị các bệnh hiếm gặp; Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc để theo dõi nguồn cung của các thuốc để điều tiết kịp thời việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc.

Sau 4 đợt Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế công bố các loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc… được gia hạn đăng ký lưu hành đến hết ngày 31/12/2022 theo Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP của Chính phủ, từ tháng 6 đến nay đã có 10.156 thuốc, nguyên liệu làm thuốc… được gia hạn đăng ký lưu hành. Từ ngày 1/1/2023, số thuốc, nguyên liệu làm thuốc này sẽ hết hiệu lực gia hạn, điều này đồng nghĩa rằng không thể lưu hành trên thị trường.

Mặt khác, theo Bộ Y tế, trong năm 2023 sẽ có thêm 3.802 giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc… hết hiệu lực, năm 2024 sẽ tiếp tục có 3.624 thuốc hết hạn giấy đăng ký lưu hành (năm 2024, Bộ Y tế sẽ phải tiếp tục giải quyết 6.624 hồ sơ, gồm 3.000 hồ sơ tồn năm 2023 và 3.624 hồ sơ hết hạn năm 2024).

Với thống kê trên, số lượng hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc sẽ phải xử lý từ nay đến hết năm 2023 và 2024 là rất lớn. Điều này sẽ gây nguy cơ thiếu thuốc "dai dẳng" nếu không có phương án xử lý kịp thời.