Công văn yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện đa khoa trên địa bàn rà soát, bổ sung năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực (ICU) hoặc thiết lập ngay đơn vị hồi sức tích cực (nếu chưa có) để không bị động trước diễn biến dịch.

Đơn vị hồi sức tích cực điều trị COVID-19 phải bảo đảm cách ly riêng biệt với các đơn vị khác trong bệnh viện. Đối với tỉnh chưa có dịch hoặc số ca mắc ít cần chủ động chuẩn bị ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. Đối với các địa phương có nguy cơ cao (nhiều khu công nghiệp, thị xã đông dân cư…) cần tăng số giường bệnh hồi sức tích cực, chủ động ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát.

Yêu cầu sở Y tế rà soát, đánh giá năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực (ICU) của các bệnh viện trực thuộc và căn cứ dự báo tình hình dịch của địa phương ước tính số ca bệnh nặng để giao nhiệm vụ tiếp nhận các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch cho các đơn vị trực thuộc.

Bệnh viện đa khoa tỉnh tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện (công lập, tư nhân và bệnh viện thuộc Bộ, ngành) trên địa bàn về công tác hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch theo kế hoạch được phân bổ.

Đối với các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cần bố trí khu vực hồi sức tích cực tách biệt với khu hồi sức tích cực chung và các khoa, phòng khác; báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cơ số giường ICU để sẵn sàng tiếp nhận điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch theo phân công của Bộ Y tế và hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.

Cục Quản lý KCB Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chuẩn bị phương án để bảo đảm về nhân lực, trang thiết bị y tế, danh mục thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, trang bị phòng hộ và công tác kiểm soát lây nhiễm theo Quyết định 2626 ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế cho đơn vị Hồi sức cấp cứu tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, đặc biệt chú ý hệ thống khí nén, ô-xy trung tâm, máy thở, camera theo dõi… sẵn sàng điều trị ngay ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch trong trường hợp được phân công.