Đi học về, T.Đ.T (17 tuổi) có dấu hiệu mệt mỏi, đau tức ở ngực. 3h sáng, do cơn đau ngày một tăng nên gia đình đã đưa em vào bệnh viện tỉnh cấp cứu. Tại đây, qua lâm sàng các bác sỹ không phát hiện vấn đề gì đặc biệt, cơn đau cũng dịu bớt. Gia đình có ý định xin cho T. ra viện. Trước khi về nhà, để cẩn trọng, các bác sỹ đề nghị gia đình làm thêm một số xét nghiệm, siêu âm và chụp x-quang. Và bất ngờ lúc này, các bác sỹ đã phát hiện một khối phình động mạch chủ rất lớn.

Phình động mạch chủ là tình trạng phình một phần động mạch chủ, động mạch chính cấp máu của cơ thể. Cùng với đó là hiện tượng các mạch máu lớn phân nhánh ra khỏi tim, gây ra vết rách. Máu chảy tràn qua những vết rách này khiến các động mạch chủ bị bóc tách. Khi động mạch chủ bị chèn ép quá mức sẽ dẫn đến vỡ động mạch, gây tử vong.

Trước sự nguy cấp của bệnh nhân, ngay lập tức T. được chuyển lên bệnh viện E trung ương. TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cho biết: sau khi tiếp nhận và kiểm tra toàn thân cho bệnh nhân thì phát hiện ngoài khối phồng lóc tách toàn bộ phần động mạch chủ lên, phía đoạn sâu trong ngực bên trái, động mạch chủ bị hẹp mất một đoạn gần 4 cm.

"Vấn đề đặt ra là chúng ta xử trí một khúc đó thôi thì rút ngắn thời gian mổ, nhưng nếu thế thì bệnh nhân phải chịu lần mổ thứ hai rất phức tạp khi cơ thể viêm dính, chảy máu", bác sỹ Nguyễn Công Hựu cân nhắc.

Và không chỉ phát sinh thêm một “lỗi” nữa ở tim của bệnh nhân mà còn hàng loạt những vấn đề khác đòi hỏi các bác sỹ phải “cân não”.

Bảo tồn van tim thế nào khi mà vị trí bám của cấu trúc van tim bị lóc xuống phía dưới. Khối phồng ở vị trí hẹp ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu cung cấp máu cho não. Ngoài ra, khi phẫu thuật phải rút hết máu trong lòng mạch, vậy việc cấp máu cho não và các bộ phận khác của cơ thể như thế nào thì phải có tính toán.

Hàng loạt những câu hỏi đặt ra và cuối cùng ekip phẫu thuật đã quyết định là can thiệp cùng một lúc cả hai thương tổn cho bệnh nhân, trong cùng một đường mổ. Để thực hiện phẫu thuật, nhiệt độ cơ thể bệnh nhân được hạ xuống rất sâu 28 độ C (bình thường là 37 độ C) và đồng thời tiến hành kỹ thuật vận hành máy tim phổi nhân tạo và kỹ thuật bảo vệ các nội tạng trong đó có não.

"Chúng tôi mở ra thì đập vào mắt đầu tiên là khối phồng kéo dài từ van động mạch chủ ở trong tim kéo dài lên các mạch nuôi não. Vì thế, bắt buộc phải sử dụng máy tim phổi nhân tạo tuần hoàn ngoài cơ thể, để rút hết máu ra khỏi tim, thiết lập một được khác để đưa máu đi nuôi các cơ quan nội tạng mà mình ko động chạm đến. Chúng tôi bơm một loại thuốc đặc biệt để bảo vệ cơ tim. Khi phổi tim ngừng hoạt động thì chúng tôi cắt mở mạch máu ra và cắt đi toàn bộ những phần giãn vỡ, sau đó vị trí van bám thì tạo hình, thay toàn bộ mạch phồng bằng mạch nhân tạo.

Còn giải phẫu chỗ hẹp thì chúng tôi mở rộng phẫu tích rất sâu trong lồng ngực phía bên trái. Phải tách đi sâu xuống dưới, cắt bỏ chỗ hẹp rồi cũng lại dùng mạch nhân tạo đấu nối. Vấn đề phức tạp là những mạch nuôi não nằm đúng vị trí mình phải cắt, vì thế, toàn bộ chỗ vị trí xuất phát mạch nuôi não phải cắt rời hết. Chúng tôi phải đưa hệ thống dẫn máu riêng để tưới máu cho não, sau đó các mạch máu được nối vào hệ thông mạch nhân tạo", TS.BS Nguyễn Công Hựu cho biết.

Ca mổ kéo dài 9 tiếng, trong điều kiện nhiệt độ rất thấp, với những kỹ thuật can thiệp sâu không chỉ đặt ra thách thức với toàn bộ ekip mà đối với cả sức chống chọi của bệnh nhân. Rất may mắn, bệnh nhân là một thanh niên trẻ, sức hồi phục tốt, mạch máu dẻo dai giúp việc phẫu thuật, thay mạch máu nhân tạo diễn ra thuận lợi.

Anh Triệu Đức Thịnh, bố của cháu T.Đ.T, chia sẻ: sau 1 tuần phẫu thuật, tuy vết mổ vẫn hơi đau nhưng cháu đã có thể đi lại, ăn uống bình thường. Cả đêm túc trực chờ tin tức của bác sỹ ngoài phòng mổ, gia đình đã rất lo lắng nhưng điều tuyệt vời nhất đã đến.

"Con tôi như được sinh ra lần thứ hai", anh Thịnh xúc động nói.

Phình tách thành động mạch chủ là bệnh lý thường xảy ra ở người cao tuổi, trường hợp mắc ở người trẻ và lại có thêm vấn đề hẹp động mạch chủ là rất hiếm gặp. Mặc dù là lần đầu tiên đối mặt với bệnh cảnh đặc biệt, nhưng với kinh nghiệm đã từng xử lý những ca can thiệp tim mạch khó trước đó, các y bác sỹ của bệnh viện E đã thực hiện thành công, góp phần đem lại sự sống kỳ diều cho người bệnh.

Mời nghe bài viết tại đây: