Theo ông Trần Sĩ Tuấn - nguyên Tổng biên tập báo Sức khỏe đời sống, những Bệnh viện trực thuộc Bộ y tế ( Bệnh viên K, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi TƯ … ), là những bệnh viện có đội ngũ bác sĩ và chuyên gia rất giỏi. Có nhiệm vụ khám và điều trị bệnh không những 10 triệu dân TP. Hà Nội, mà còn cho hàng chục triệu người dân của các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung. Đưa bệnh viện đầu ngành hạng đặc biệt về cho Hà Nội quản lý vô hình chung chúng ta thu hẹp tầm hoạt động của bệnh viện và đối tượng bị thiệt thòi là người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Cho dù các bệnh viện trên vẫn nhận điều trị cho bệnh nhân ở các tỉnh thì cũng không tránh khỏi tình trạng bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo bị chuyển trả về địa phương với lý do đây là bệnh viện của Hà Nội. Thêm nữa, đa số bệnh nhân ở tỉnh là người nghèo, không đủ tiền đóng viện phí. Và điều này cũng sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nhân không được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, ông Trần Sĩ Tuấn cũng cho rằng, bệnh viện tuyến Trung ương còn có nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn và đỡ đầu cho bệnh viện các tỉnh. Đây là nhiệm vụ mà bộ y tế phân công. Khi giao các bệnh viện đầu ngành về Hà Nội quản lý thì để làm được điều này Bộ Y tế sẽ phải thông qua TP. Hả Nội. Như vậy, một nhiệm vụ, một công việc quan trọng có được thực hiện hay không lại phụ thuộc vào những mối quan hệ, cơ chế xin- cho giữa bệnh viện các tỉnh với TP. Hà Nội. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Từ trước đến nay, các bệnh viện đầu ngành còn là nơi thực hành của các trường Đại học Y. Chính vì thế, ông Tuấn cho rằng, sự kết hợp viện - trường là đặc thù của ngành Y . Các giáo sư, bác sĩ của trường tham gia lãnh đạo các khoa phòng và lãnh đạo các Bệnh viện trực thuộc và ngược lại. Đồng thời các giáo sư, bác sĩ của trường là nguồn nhân lực vô cùng quí đối với các bệnh viện. Nếu đưa các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế về TP. Hà Nội quản lý thì sự kết hợp này sẽ dễ bị ảnh hưởng. Vì trường trực thuộc Bộ Y tế còn bệnh viện thì do TP. Hà Nội quản lý.
- Ngoài ra, các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế còn tham gia hợp tác quốc tế, phòng chống dịch bệnh, thiên tai lũ lụt trong cả nước mà nếu chỉ TP. Hà Nội thì có thể là quá sức với thủ đô.
- Ngoài ra, còn khá nhiều các vấn đề liên quan đến nhân sự, các chuyên gia giỏi tại các bệnh viện lớn. Nếu quản lý không cẩn thận sẽ gây ra tình trạng chảy máu chất xám từ bệnh viện công sang bệnh viện tư.
Vì vậy, khi đưa ra bất kì một chủ trương gì liên quan cuộc sống của người dân, ông Trần Sĩ Tuấn cho rằng, cần phải lấy người dân làm chủ thể, làm trung tâm phục vụ, nhất là người dân nghèo, người dân vùng sâu vùng xa.
Còn theo GS.TS.NGND Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Hà Nội, với thực tiễn ở Việt Nam có nhiều khác biệt với các nước về trình độ phát triển, văn hoá, xã hội, nên chúng ta đang thực hiện mô hình Bộ Y tế quản lý các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành và mô hình này đã và đang phát huy đặc biệt hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Để phát triển y tế Hà Nội, GS Tạ Thành Văn cho rằng, Luật Thủ đô cần quan tâm đến những vấn đề trọng tâm. Để tiết kiệm nguồn lực và tăng cường hiệu quả, tránh cạnh tranh dẫn đến lãng phí, Hà Nội cần phải ban hành các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của 3 lĩnh vực: Bệnh viện trực thuộc trung ương/Trường Đại học Y-Dược; cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội và cơ sở y tế tư nhân trong chiến lược chăm sóc sức khỏe người dân thủ đô.
Sự phân bố các cơ sở y tế phải gắn liền với quy hoạch mạng lưới đô thị, thành phố vệ tinh và các khu dân cư đông người. Các ưu đãi đầu tư nên tập trung vào các chương trình, dự án cụ thể và khả thi tiếp cận thực tế và tiếp cận công nghệ hiện đại của các nước phát triển và nguồn nhân lực chất lượng cao có thể là những chuyên gia, nhà khoa học ở những nước tiên tiến, những người có kinh nghiệm làm việc chuyên môn trong và ngoài địa bàn thủ đô và quốc tế.
Dự thảo luật cũng cần đề cập đến vai trò của y tế tư nhân với chính sách ưu đãi đặc thù trong việc thực thi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô. Bởi lẽ, dù là cơ sở y tế công lập hay ngoài công lập thì đều có mục đích chung là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.