Đái tháo đường là bệnh không lây nhiễm nhưng căn bệnh này được ví như “sát thủ” thầm lặng. Theo thống kê có tới hơn 55% bệnh nhân mắc đái tháo đường có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; gần 40% có biến chứng về mắt và thần kinh; 24% biến chứng về thận.

Bệnh đái tháo đường nguy hiểm là vậy, thế nhưng thời gian qua, vẫn có nhiều bệnh nhân bỏ thuốc, bỏ tiêm insulin để làm theo những lời mách bảo trên mạng xã hội, những “thầy lang” cho rằng có bài thuốc kinh nghiệm gia truyền… gây ra hậu quả đáng tiếc.

Vừa qua, có bệnh nhân nữ 63 tuổi đã nghe theo quảng cáo trên mạng xã hội về phương pháp điều trị đái tháo đường triệt để bằng công nghệ cấy tế bào gốc, không đau, không xâm lấn, không cần phẫu thuật, người bệnh chỉ cần bỏ ra hơn 1 tỷ đồng là có thể khỏi bệnh bởi tế bào gốc. bệnh nhân này đã chi hơn 4 tỷ để điều trị bằng phương pháp này. Tuy nhiên, bệnh không những không thuyên giảm mà bệnh ngày một nặng, đường máu tăng cao, sút giảm cân quá mức, cơ thể luôn mệt mỏi, suy nhược…

Giải thích thực hư về công nghệ cấy tế bào gốc, Ths.BS Nguyễn Đình Đức – Khoa Nội tiết đái tháo đường, BV Bạch Mai cho biết, phương pháp này mới đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa có kiểm chứng có thể điều trị khỏi bệnh đái tháo đường.

“Tế bào gốc là tế bào chưa biệt hóa thành các tế bào khác nhau. Y học sử dụng tế bào gốc để xử lý các bệnh lý đặc biệt như là suy tủy hoặc gây tổn thương da do loét, tổn thương giác mạc. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cũng nghĩ đến điều trị bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường tuýp 1, ngăn chặn không còn tế bào beta của tụy tiết insulin gây ra tình trạng đái tháo đường.

Hiện tại, công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chủ yếu trên động vật như chuột, các thử nghiệm lâm sàng trên người rất hạn chế. Một số nghiên cứu ở Mỹ và Anh cho thấy có sự tiềm năng khôi phục sản xuất insulin ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1. Tuy nhiên, chưa có đủ bằng chứng thuyết phục có thể chữa khỏi bệnh đái tháo đường.

Ở Việt Nam, cũng có một số trung tâm lâm sàng đang nghiên cứu về tế bào gốc cho bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên, gọi là có sự khôi phục về tiết insulin nhưng chưa chứng minh được khỏi bệnh hoàn toàn. Bộ Y tế mới cấp phép cho việc thử nghiệm và thực nghiệm nhưng phải có kiểm soát chặt chẽ trên nghiên cứu, còn chưa chấp nhận cho điều trị thương mại và điều trị cho cộng đồng.

Các quảng cáo thường phóng đại và thiếu cơ sở khoa học và chưa đc chứng nhận bởi các tổ chức y tế uy tín như tổ chức đái tháo đường Hoa Kỳ, Bộ Y tế, là chiêu trò thương mại, lợi dụng lòng tin của người bệnh. Vì vậy, khi người bệnh nghe thông tin này nên trao đổi với bác sĩ có uy tín, tránh vừa mất tiền mà bệnh lại không khỏi, thậm chí có thể nặng lên nếu bỏ điều trị cơ bản” – BS Nguyễn Đình Đức cho biết.

Tương tự với các loại thuốc nam quảng cáo trên mạng là thuốc gia truyền có thể điều trị được bệnh đái tháo đường. Thời gian qua, có nhiều người vì tin nên đã bỏ thuốc BS kê mà chuyển sang uống loại thuốc này, hậu quả gây ngộ độc, biến chứng tim mạch phải cấp cứu bệnh viện.

Theo Ths.BS Nguyễn Đình Đức, thuốc này chưa được kiểm chứng bởi Bộ Y tế. Nhiều người lừa đảo thường đánh vào tâm lý của người bệnh là chữa khỏi được bệnh mà chi phí thấp.

“Chúng tôi đã kiểm tra và xác nhận trong thuốc này có một số chất có hại như thành phần corticoid làm cho đường trong máu của bệnh nhân tăng cao gây ra tình trạng tăng huyết áp, loãng xương, suy thượng thận. Một số loại thảo dược nhiễm nấm, vi khuẩn, thuốc trừ sâu trong quá trình bảo quản gây ra tình trạng nhiễm trùng, tổn thương gan đối với người bệnh. Ngoài ra gặp một số ng bệnh trong thuốc có chứa phenformin, là một chất độc, trước đây dùng cho bệnh nhân đái tháo đường nhưng đã bị loại bỏ từ rất lâu rồi gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Uống thuốc này, đường máu có thể giảm nhưng gây ra tình trạng toan ác tính, hôn mê và ảnh hưởng đến sức khỏe” – Ths.BS Nguyễn Đình Đức phân tích.

Hiện chưa có phương pháp nào có thể điều trị khỏi bệnh đái tháo đường. Do đó, người bệnh cần tỉnh táo khi nghe những thông tin trên và tuân thủ điều trị y khoa chính thống, tránh tình tạng ngộ độc thuốc và gây biến chứng về tim mạch đáng tiếc.

“Theo y học truyền thống, đái tháo đường là bệnh mạn tính liên quan đến vấn đề chuyển hóa đường của cơ thể. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đái tháo đường Hoa Kỳ và Bộ Y tế, hiện chưa có phương pháp nào điều trị khỏi bệnh đái tháo đường.

Đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường tuýp 1 phải dùng insulin suốt đời. Đái tháo đường tuýp 2 có thể kiểm soát tốt đường huyết bằng lối sống, bằng thuốc uống, đôi khi có thể bằng insulin. Tuy nhiên, bệnh không khỏi hoàn toàn. Trong một số trường hợp đặc biệt như đái tháo đường tuýp 2 và thừa cân béo phì thì có thể thuyên giảm tức là đường huyết ổn định mà không cần phải dùng thuốc nhờ việc giảm cân và phẫu thuật giảm cân. Tuy nhiên không phải là điều trị khỏi mà chỉ là thuyên giảm thôi. Những người bệnh đó vẫn cần duy trì cuộc sống và tập thể dục tích cực, phải theo dõi thường xuyên để tránh biến chứng hoặc đường huyết tăng trở lại mà không phát hiện. Vì vậy, cảnh báo với người dân cần cảnh cảnh giá trước thông tin không chính thống, đặc biệt là trên mạng xã hội, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nội tiết hoặc cơ sở y tế có uy tín về phương pháp nào đó” – BS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

Đái tháo đường là bệnh mạn tính, tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát và hạn chế tối thiểu các biến chứng của bệnh nếu tuân thủ liệu trình điều trị, theo dõi liên tục, phối hợp với một chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý tuyệt đối không nên tự ý sử dụng các loại thuốc, phương pháp chưa được kiểm chứng, không rõ thành phần và nguồn gốc xuất xứ để tránh tiền mất tật mang.