Chị Nguyễn Thu Hà (ở Trương Định - Hà Nội) mới áp dụng chế độ ăn kiêng được 1 tuần nay. Chị cho biết đã nghiên cứu qua mạng internet, qua người thân, bạn bè và cả từ những người không quen biết nhưng được giới thiệu là đã giảm cân thành công.

“Tôi lựa chọn kiểm soát calo, kiêng đạm động vật thịt đỏ, chỉ ăn thịt trắng, rau củ quả và ít cơm”, chị Hà nhấn mạnh.

Chỉ trong 1 tuần, chị Hà giảm được 2 kg. Và nếu theo đà này mục tiêu giảm được 10kg của chị chắc sẽ thành công.

Theo PGS.TS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam hầu hết mọi người hiện nay đều áp dụng chế độ ăn kiêng theo lời đồn và mách nhau như thế này. Trong khi, khoa học dinh dưỡng hiện nay đều cá thể hóa trong điều trị và áp dụng chế độ ăn uống.

Vì thế, nhiều trường hợp sẽ thấy giảm cân nhanh chóng trong thời gian đầu, nhưng về lâu dài lại có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc, như là: mệt mỏi, hệ miễn dịch suy yếu, mất cơ, đau đầu, suy giảm trí nhớ, yếu xương cốt…

Ths.bác sỹ Bùi Thị Trà Vy, Khoa Dinh dưỡng và tiết chế - BV ĐH Y Hà Nội cho biết, có nhiều người bị ám ảnh cân nặng đến mức nhiễu loạn trong áp dụng chế độ ăn dẫn đến mắc chứng rối loạn ăn uống.

Theo thống kê, chứng rối loạn ăn uống thường xảy ra ở nữ giới và ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Nguyên nhân do lứa tuổi này thường để ý quá nhiều đến vóc dáng và có những cách hiểu sai.

“Nhiều trường hợp đến điều trị chỗ chúng tôi có chỉ số cơ thể bình thường. Nhưng có bạn thì nghĩ mình gầy quá, có bạn lại cho là mình béo quá, vì thế tìm kiếm các loại chế độ ăn kiêng, áp dụng loạn hết cả lên, vậy là tình trạng gây ra rối loạn ăn uống”, bác sỹ Trà Vy cho biết.

Rối loạn ăn uống có hai dạng: biếng ăn và cuồng ăn. Hai tình trạng này đều dẫn đến những vấn đề về sức khỏe. Với trường hợp mắc chứng biếng ăn, sẽ khiến cơ thể bị thiếu cân, suy dinh dưỡng, tụt huyết áp, nhịp tim chậm, không ổn định. Lúc này người sẽ thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt, ngất xỉu, phát triển chậm.

Với trưởng hợp cuồng ăn cũng sẽ có những biểu hiện mệt mỏi, nôn ra máu, mắc các bệnh lý về chuyển hóa như cholesterol máu, gan nhiễm mỡ….

Vì vậy, theo Ths.BS Bùi Thị Trà Vy, khi đã xác định là có rối loạn ăn uống thì cần phải đi khám ở chuyên khoa Tâm thần và Dinh dưỡng.

“Các bác sỹ chuyên khoa Tâm thần sẽ sàng lọc để loại trừ các vấn đề về trầm cảm, lo âu, stress mà dẫn đến rối loạn ăn uống. Còn bác sỹ dinh dưỡng sẽ xây dựng cho người bệnh một chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp với cân nặng của bản thân”, bác sỹ Trà Vy nhấn mạnh.

Và điều quan trọng theo bác sỹ Vy, mọi người cần phải xác định cơ thể của mình đang ở mức độ nào, cân nặng của mình đã phù hợp hay chưa. Chẳng hạn, chỉ số BMI từ 18.5-24 là tốt, có thể tự tin ăn uống bình thường. Hoặc có thể đo lượng mỡ, lượng cơ. Cách thứ ba, có thể tính chỉ số vòng eo chia cho vòng mông. Nếu nhỏ hơn 0.8 đối với nữ và 0.9 với nam giới thì cơ thể hình quả lê, thức là lượng mỡ không tập trung ở vùng trung tâm, thì người đó có cơ thể hoàn toàn bình thường, không cần phải kiêng khem.