Ông Nguyễn Văn Thi, 65 tuổi ở Bắc Giang, có triệu chứng đau đầu, ù tai, chóng mặt, kèm theo mất ngủ kéo dài. Gia đình đưa ông Thi đi khám ở nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Sau khi được người quen giới thiệu đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, ông Thi ngỡ ngàng khi biết mình bị sán não - là bệnh lý nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương do ấu trùng sán xâm nhập vào nhu mô não của người bệnh, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Ông Thi cho biết, trước đây tiết canh là món khoái khẩu của ông thế nhưng không ngờ đây lại là nguyên nhân gây ra bệnh lý nguy hiểm như vậy.

Trường hợp của ông Vũ Chí Thế - 75 tuổi – ở thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương cũng phải nhập viện vì huyết áp tăng cao đột ngột. Qua chụp phim, các bác sĩ phát hiện trong cơ lưng của ông có rất nhiều nang sán và có cả những ổ sán trong não. Nguyên nhân cũng do thói quen ăn uống hàng ngày của ông.

"Tôi hay ăn tiết canh với rau sống. Thỉnh thoảng mới ăn. Họ đánh sẵn rồi bán. Nó mát ruột, thích ăn món đấy. Nó nhức đầu, hàng tháng nay không hôm nào ngủ đến 2 -3 tiếng, suy nhược thần kinh." ông Thế cho biết.

Theo TS.BS Trần Huy Thọ, Phó giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thời gian vừa qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm các bệnh ký sinh trùng, điển hình là những bệnh ấu trùng sán dây lợn và một số bệnh ký sinh trùng khác.

Nhiều bệnh nhân bị nhiễm sán não vào nhập viện trong tình trạng đau đầu, hoa mắt, nhìn mờ và liệt nửa người, khiến gia đình tưởng bị đột quỵ. TS.BS Trần Huy Thọ cho biết, các biểu hiện nhiễm ấu trùng sán lợn sẽ khiến nhiều người lầm tưởng sang tai biến, đột quỵ. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị liệt nửa người và những di chứng khác kèm theo. Nhiều người dân đến viện luôn khẳng định ăn tiết canh lợn nhà nuôi, tiết canh vịt nhà tự làm nên không thể bị nhiễm sán. Nhưng suy nghĩ này là chưa đúng.

“Nhiều người dân có quan niệm con lợn tôi nuôi rất sạch, tuy nhiên đây chỉ là cảm nhận chủ quan của họ thôi, chứ còn để xem thực phẩm sạch hay không phải có kiểm nghiệm bằng khoa học để xem thực phẩm đó có nhiễm bệnh hay không. Qua khám bệnh cho thấy không liên quan đến việc ăn ít hay ăn nhiều nhưng quan trọng là con lợn đó có bị nhiễm bệnh hay không. Chứ có những người ăn quanh năm người ta không bị, hoặc có thể sức đề kháng của họ tốt thì họ chưa bị ngay thời điểm đó mà có thể về sau mới bị…”, BS Trần Huy Thọ phân tích.

Người mắc sán não ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, như suy giảm trí nhớ, bệnh nhân tới nhập viện trong trạng nhớ nhớ, quên quên như bệnh nhân tâm thần. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng một ngày có 5, 6 cơn co giật toàn thân. Đặc biệt trường hợp nặng còn để lại di chứng là những nốt vôi hóa không mất đi, khiến người bệnh thỉnh thoảng đau đầu, giật cơ nhẹ.

Vì vậy, để phòng chống nguy cơ nhiễm giun sán, BS Trần Huy Thọ khuyến cáo: “Trong dịp tết này để đảm bảo an toàn thì nên ăn chín uống sôi, không ăn đồ tái sống. Bên cạnh đó, do tỷ lệ nhiễm giun ở nước ta cũng rất cao người dân nên tẩy giun định kỳ mỗi năm một lần, đặc biệt với trẻ nhỏ hay ngồi bệt xuống đấy thì nên tẩy giun 3 tháng 1 lần.”