Được mẹ bế và dỗ dành, song bé N.H.G, 15 tháng – con chị L.T.A ở huyện Đông Anh, Hà Nội vẫn không ngừng quấy khóc. Bé G. bị bệnh tay chân miệng, nhập viện điều trị ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi TƯ từ ngày 29/3. Khi mới nhập viện, bé không sốt và chỉ có một vài nốt ở trên lưỡi nhưng sau vài ngày thì nốt phỏng xuất hiện nhiều hơn và thường xuyên sốt 38 độ C. Đáng lo hơn khi 2 bé nhà chị L.T.A đều nằm viện vì bệnh tay chân miệng. “Con gái lớn 4 tuổi cũng bị tay chân miệng đang điều trị ở Bệnh viện huyện Đông Anh. Cháu G bị lây bệnh từ chị nhưng nặng hơn nên phải điều trị ở Bệnh viện Nhi TƯ. Bác sĩ đang nghi cháu bị biến chứng vào tim” – Chị L.T.A chia sẻ.

TS.BS Đỗ Thiện Hải – Trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, chỉ trong 2 ngày vừa qua, Bệnh viện Nhi TƯ đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho 7 trẻ nhỏ mắc bệnh tay chân miệng. Thực tế, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng còn cao hơn nhiều bởi chỉ có những bệnh nhi bị biến chứng nặng, cần phải được điều trị tích cực mới được giữ lại ở Bệnh viện, còn trẻ bị nhẹ hơn sẽ được trả về địa phương, điều trị ở nhà hoặc tuyến cơ sở.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do các virus đường ruột gây ra như Coxackievirus (nhóm A16) và Enterovirus týp 71 (EV71). Đặc biệt, trẻ bị nhiễm virus EV71 có thể bị biến chứng nhanh và nặng như suy tim, viêm cơ tim, viêm não… “Thời gian gần đây, do cha mẹ nhận thức tốt về căn bệnh này, thường cho trẻ đi khám sớm. Nhưng cái khó là tay chân miệng là bệnh nguy hiểm, có thể gây biến chứng rất nhanh như sốc tụt huyết áp, suy tuần hoàn, viêm cơ tim cấp gây ra suy tim cấp hoặc có thể gây viêm não và gây ra tử vong nhanh, nếu bệnh nhân sống được thì cũng chịu những di chứng nặng nề” – BS Đỗ Thiện Hải cho biết.

Trẻ có cơ địa dị ứng hoặc phản ứng mạnh với tác nhân gây bệnh thì diễn tiến của bệnh có thể sẽ nhanh hơn những trẻ khác, có thể chỉ từ 2-3 tiếng sau khi có dấu hiệu trở nặng đã xuất hiện các biến chứng. Vì vậy, BS Đỗ Thiện Hải khuyến cáo, khi trẻ có 1 trong 4 dấu hiệu sau: sốt liên tục 39 độ, quấy khóc kéo dài, co giật, không đi tiểu hoặc đi tiểu ít trong nhiều giờ đồng hồ thì nên đưa trẻ đến Bệnh viện điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng lây qua đường hô hấp, tiêu hóa và thường tăng cao khi thời tiết giao mùa, đặc biệt là hiện nay, khí hậu đang chuyển từ mùa xuân sang mùa hè. Vì vậy, cha mẹ và các trường học mẫu giáo chăm sóc trẻ cần chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng cách: thường xuyên khử trùng lớp học, tay nắm cửa, đồ chơi của trẻ bằng dung dịch Cloramin B; tạo thói quen rửa tay trước và sau khi ăn, trước và sau khi đi vệ sinh cho trẻ; cho trẻ xúc miệng nước muối hằng ngày; vì bệnh thường khởi phát 1-2 ngày trước khi trẻ bắt đầu có những triệu chứng nên khi trẻ đã bị sốt thì cha mẹ nên cho trẻ nghỉ học ở nhà để tránh lây sang trẻ khác; nếu trong lớp học đã có trẻ bị nhiễm bệnh thì cô giáo cần tăng cường khử trùng lớp học hơn nữa…