Thoát vị bẹn ở trẻ em là bệnh lý của ống phúc tinh mạc. Trong thời kỳ phôi thai, vào khoảng tháng thứ bảy, khi tinh hoàn di chuyển xuống bìu sẽ kéo theo nếp phúc mạc tạo thành một túi dạng ống gọi là ống phúc tinh mạc. Bình thường khi trẻ sinh ra, ống này sẽ đóng lại,tuy nhiên một số trường hợp ống phúc tinh mạc không đóng lại sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột) chui xuống ống làm thành một khối phồng ở vùng bẹn, gọi là bệnh lý thoát vị bẹn ở trẻ trai và thoát vị ống nuck ở trẻ gái.
Theo thống kê có tới 5% số trẻ em bị thoát vị bẹn và tràn dịch màng tinh hoàn. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở trẻ thiếu tháng. Trẻ trai mắc nhiều hơn trẻ gái với tỷ lệ nam/nữ là 9/1.
Thoát vị bẹn nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây nhiều biến chứng cho trẻ như: nghẹt, hoại tử ruột khi ruột bị mắc kẹt trong túi thoát vị. Rối loạn tiêu hoá, gây chậm lớn ở trẻ nhỏ. Bệnh còn là yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn hoặc hoại tử buồng trứng.
Trường hợp con gái của chị Bùi Thị Lương ở Hà Đông, Hà Nội là một ví dụ. Cách đây hơn 1 năm, gia đình phát hiện phần mu bên phải ở vùng kín của cháu to hơn bên trái, nhưng vì không thấy con kêu đau hay quấy khóc gì nên cũng chưa đưa con đi khám. Sau đó, sự chênh lệch ngày càng rõ rệt, đi khám mới biết con bị thoát vị bẹn.
“Thời điểm đầu cháu không đau, không vấn đề gì, vẫn chơi bình thường. Chỉ có cái hàng ngày nhìn nó nổi trội hơn hẳn thì bác sỹ cũng bảo nên mổ càng sớm càng tốt. Mẹ cháu cũng cứ chần chừ mãi xong mới quyết định đi mổ cho cháu”, chị Lương chia sẻ.
Khi đó, con gái chị Lương mới 3 tuổi, nếu đăng ký mổ ở tuyến huyện sẽ phải mổ mở, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của cháu. Chính vì vậy, gia đình chị đã quyết định đưa con đến Bệnh viện E Trung ương để tiến hành mổ nội soi đóng ống phúc tinh mạc, giải thoát phần ruột bị thoát vị cho con.
Chị Lương cho biết: “Cháu mổ nội soi, tầm 1 tiếng đồng hồ. Tỉnh thì 1,2 tiếng sau hết thuốc mê thì cháu tỉnh. Mổ cho cháu được 3 hôm là ra viện. Gia đình bây giờ yên tâm, cháu chạy nhảy thoải mái không vấn đề gì. Cháu được bảo hiểm thanh toán gần như 100%, chi phí cũng không mất nhiều”.
Theo TS.BS Nguyễn Đình Liên – Trưởng Khoa Phẫu thuật Thận - Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E Trung ương, bệnh không có biểu hiện đặc biệt nào ngoài việc xuất hiện khối phồng ở vùng bẹn, bìu ở trẻ trai hoặc gần xương mu với bé gái. Rõ nhất là khi trẻ rướn, hoặc chạy nhảy gắng sức, cha mẹ dễ dàng quan sát thấy. Đây là bệnh lý không thể tự khỏi mà cần phẫu thuật để đóng ống phúc tinh mạc lại. Hiện bệnh viện đã triển khai thường quy kỹ thuật mổ nội soi 1 lỗ đóng ống phúc tinh mạc cho những trẻ bị thoát vị bẹn, giúp trẻ nhanh chóng bình phục, tính thẩm mỹ cao mà không làm tổn thương cơ quan sinh dục của trẻ.
"Chúng tôi sử dụng ngay rốn, là sẹo tự nhiên của cơ thể để đưa dụng cụ Trocar vào. Tại đây phẫu thuật viên sẽ đặt dụng cụ Trocar quan sát và hỗ trợ cuộc mổ. Từ bên ngoài, phẫu thuật viên sử dụng một loại kim đặc biệt đi xuyên qua thành bụng khâu từ bên ngoài chỗ thoát vị bên trong cơ thể. Cuộc mổ ca thoát vị diễn ra trong khoảng 10- 30 phút. Sau mổ bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh, có thể ra viện vào ngày hôm sau và đặc biệt không hề để lại sẹo vì đường vào của dụng cụ trong phẫu thuật loại này đúng vị trí rốn" BS Nguyễn Đình Liên cho biết.
Giải thích về lợi ích của phẫu thuật nội soi một lỗ, BS Liên cho biết: Khi đưa camera qua nội soi, phẫu thuật viên có thể quan sát trực tiếp cả 2 vị trí bẹn để phát hiện và loại trừ sớm nguy cơ trẻ bị thoát vị cả 2 bên. Vì có khoảng 10-13% trẻ sau mổ thoát vị bẹn 1 bên có thể bị cả bên kia. Phương pháp mổ này đặc biệt có hiệu quả trong các trường hợp phẫu thuật thoát vị cả 2 bên hay thoát vị bẹn tái phát, phẫu thuật viên không đụng vào vết sẹo đã mổ lần trước vì sẹo này đã bị xơ. Đây được coi là phương pháp ít sang chấn và thẩm mỹ nhất hiện nay.
Trước đây, kỹ thuật mổ nội soi điều trị thoát vị bẹn cho trẻ được chỉ định cho những trường hợp trên 1 tuổi, nhưng nhờ đội ngũ gây mê hồi sức nhi khoa chuyên nghiệp tại Bệnh viện E nên các bác sỹ có thể can thiệp đóng ống phúc tinh mạc cho những trẻ từ 3 tháng tuổi.
BS Nguyễn Đình Liên khuyến cáo, khi thấy con có những dấu hiệu bất thường ở bộ phận sinh dục như hai bên tinh hoàn phát triển không đều ở trẻ trai hoặc vùng mu ở trẻ gái có nổi cục phồng rõ thì cần đưa trẻ đến khám ngay ở các cơ sở chuyên về nhi khoa hoặc tiết niệu để can thiệp kịp thời, tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau của trẻ.