Bệnh đục thủy tinh thể là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Triệu chứng của bệnh đục thủy tinh thể thường diễn biến chậm, không gây đau đớn cho người bệnh. Nguyên nhân gây ra đục thủy tinh thể có những yếu tố sau: Do bẩm sinh liên quan tới các rối loạn yếu tố di truyền, quá trình lão hóa tự nhiên, viêm màng bồ đào, bị chấn thương mắt… Hoặc thường xuyên sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng tới mắt như corticoid, thuốc hạ mỡ máu nhóm statin, thuốc chống trầm cảm, chống loạn nhịp tim...

Ở giai đoạn đầu, người bệnh gần như không thấy bất kỳ dấu hiệu nào, khi bệnh đến giai đoạn nặng hơn mới thấy các triệu chứng như: Giảm thị lực, mắt nhìn mờ hơn, có thể thấy các chấm đen trước mắt, bệnh nhân có cảm giác lóa mắt khi gặp ánh sáng mạnh hoặc thấy màu sắc nhạt dần. Phương pháp hiệu quả nhất để điều trị bệnh đục thủy tinh thể đó chính là phẫu thuật Phaco. Đây là phương pháp phẫu thuật dùng năng lượng siêu âm để tán nhuyễn thủy tinh thể đục thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài qua một vết mổ rất nhỏ, sau đó được thay bằng thủy tinh thể nhân tạo. Đây là phẫu thuật an toàn, hiệu quả và tối ưu so với các phương pháp trước, diễn ra nhanh, an toàn, không đau, không chảy máu, không cần khâu, điều chỉnh được tật khúc xạ và có thể xuất viện ngay trong ngày.

Người cao tuổi còn có thể mắc đục bao sau thủy tinh thể sau khi mổ Phaco. Bao sau là một cấu trúc giải phẫu trong nhãn cầu, nó cũng sẽ bị đục dần theo thời gian dẫn đến thị lực giảm dần. Trường hợp này bệnh nhân cấn đến bệnh viện để bác sĩ tiến hành Laser bao sau, mắt sẽ sáng trở lại.

Bệnh Glaucoma (hay còn gọi là cườm nước hoặc thiên đầu thống) là một tình trạng tổn hại thần kinh thị giác, trong đó tăng nhãn áp là một yếu tố quan trọng. Bệnh có thể dẫn đến mất thị lực nếu không phát hiện và điều trị sớm. Glaucoma thường xảy ra khi chất lỏng dinh dưỡng trong mắt không thể thoát ra ngoài, làm tăng áp lực bên trong mắt và gây áp lực lên dây thần kinh thị giác. Bệnh khá phổ biến, tuy nhiên bệnh không có triệu chứng trong giai đoạn đầu, vì thế rất khó nhận ra.

Chứng tăng nhãn áp có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng phổ biến nhất ở người lớn trên 60 tuổi. Các biện pháp điều trị tăng nhãn áp bao gồm thuốc, laser và phẫu thuật.

Bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở độ tuổi lao động. Đây là kẻ thù thầm lặng làm cho võng mạc bị tổn thương nặng, ảnh hưởng trầm trọng tới chức năng thị giác.

Các giai đoạn của bệnh võng mạc đái tháo đường, gồm: Không tăng sinh (mức độ rất nhẹ, nhẹ, vừa, nặng và rất nặng) và tăng sinh (mức độ nhẹ, vừa và nguy cơ cao).

Để tầm soát bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh nhân cần khám chuyên khoa Mắt ngay khi phát hiện bệnh đái tháo đường. Phương pháp điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường tốt nhất hiện nay đó là tiêm nội nhãn các thuốc anti-VEGF (ức chế tăng sinh tân mạch). Thuốc có tác dụng giảm phù hoàng điểm, ức chế và thoái triển các tân mạch tăng sinh trong võng mạc, từ đó có tác dụng ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và bảo tồn thị lực cho bệnh nhân. Trường hợp nặng (xuất huyết dịch kính dày đặc, tăng sinh xơ co kéo gây bong võng mạc...) bác sĩ sẽ can thiệp phẫu thuật.

Ở người già, bệnh mộng, quặm cũng thường xảy ra khiến người bệnh cảm thấy mắt vô cùng khó chịu. Mộng mắt hay còn gọi là mộng thịt, đó là một khối xơ mạch tăng sinh phát triển hình tam giác trên bề mặt kết giác mạc, do thoái hóa của kết mạc nhãn cầu dưới ảnh hưởng của ánh nắng, khói, bụi. Đầu mộng có thể chạm tới phần giác mạc, che phủ 1 phần con ngươi (đồng tử) khiến bệnh nhân nhìn bị vướng. Bệnh nhân thường có độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi, có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 mắt. Triệu chứng thường gặp là đỏ mắt, cộm mắt hay khô mắt.

Quặm mắt là hiện tượng lông mi mọc ngược, mọc sai hướng khiến lông mi hướng về phía mắt thay vì hướng ra ngoài. Lông mi mọc ngược có thể chọc vào giác mạc khi chớp mắt gây kích ứng mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt và tổn thương giác mạc. Một số bệnh lý khác gây nên quặm như bệnh nhân bị viêm kết mạc, viêm bờ mi, bệnh mắt hột, bệnh Pemphigus, bỏng hóa chất, hội chứng Stevens-Johnson...

Hiện nay phương pháp tối ưu đem lại kết quả mong muốn là phẫu thuật mộng, quặm.