Theo TS.BS Nguyễn Phú Hòa – Giám đốc Trung tâm Nha khoa Quốc tế Phú Hòa ở địa chỉ 484, phố Trần Khát Chân- Hà Nội, sức khỏe răng miệng có mối liên quan chặt chẽ với sức khỏe toàn thân. Các bệnh răng miệng lúc nhỏ sẽ ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, dinh dưỡng, giao tiếp và thẩm mỹ cũng như để lại nhiều hậu quả khi trẻ lớn lên. Qua thực tế, bác sĩ Hòa nhận thấy, ngoài sâu răng, trẻ còn hay mắc các bệnh như viêm lợi, viêm quanh răng, chảy máu chân răng…Nguyên nhân thường là do việc chăm sóc răng miệng cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều bậc cha mẹ chưa chú ý đến việc vệ sinh răng cho trẻ 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, thói quen ăn vặt, ăn nhiều đồ ngọt cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị sâu răng. Bác sĩ Nguyễn Phú Hòa cũng cho biết, một số trẻ, mặc dù được đánh răng rất cẩn thận nhưng răng vẫn bị sâu là do cấu tạo của men răng không được nhẵn bóng nên dễ tạo mảng bám và dễ dẫn tới sâu răng.

Khi trẻ bị sâu răng, nhiều bậc phụ huynh cho rằng không cần chữa trị vì răng sữa sẽ được thay. Tuy nhiên, răng sữa có những chức năng rất quan trọng cho trẻ như nhai khi ăn, phát âm, thẩm mỹ và "giữ chỗ" cho răng vĩnh viễn mọc, kích thích xương hàm phát triển. Trong quá trình mọc răng, lần lượt từng răng sẽ bị thay chứ không phải thay cùng lúc, nên nếu nhổ răng sữa sớm do sâu răng, các răng bên cạnh sẽ bị xô lệch, chiếm chỗ của răng vĩnh viễn. Khi bị "chèn ép" như vậy, răng vĩnh viễn bắt buộc mọc lệch, mọc xiên hoặc cũng có trường hợp không mọc được, phải nắn chỉnh rất tốn kém. Ngoài ra, trẻ mất răng sữa sớm, không ăn nhai thì xương hàm không phát triển, dẫn đến khuôn mặt thiếu cân đối.

Bắt đầu từ 6 tuổi, trẻ sẽ dần dần thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn. Nhiều trẻ sẽ có hiện tượng răng mọc chen chúc hoặc thưa thớt, xô lệch nhô ra hoặc quặp vào. Điều này có thể các yếu tố di truyền từ gia đình. Đồng thời cũng có thể do các thói quen của trẻ như mút ngón tay cái, đẩy lưỡi, nghiến răng, hoặc do trẻ bú bình trong thời gian dài. Bác sĩ Nguyễn Phú Hòa khuyên các bậc cha mẹ không nên đợi khi răng sữa được thay hết mới đưa con đến bác sĩ nha khoa mà nên đưa trẻ đi kiểm tra răng thường xuyên, định kỳ để phát hiện sớm tình trạng răng mọc lệch lạc. Bác sĩ sẽ có những can thiệp sớm, phù hợp với từng trẻ.

Để phòng ngừa sâu răng, viêm lợi… ở trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ không thể lơ là việc vệ sinh răng miệng cho các bé. Khi trẻ bắt đầu mọc răng, cha mẹ có thể vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng miếng gạc mềm hoặc bàn chải mềm bằng silicon. Trẻ lớn hơn có thể hướng dẫn chải răng bằng bàn chải và kem đánh răng dành riêng cho bé. Với trẻ trên 7 tuổi thì có thể sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride, giúp răng chắc khỏe hơn.

Để giúp trẻ có hàm răng chắc khỏe ngay từ những năm tháng đầu đời, cùng với việc vệ sinh đúng cách, theo dõi định kỳ, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý răng miệng (nếu có) thì chế độ dinh dưỡng đầy đủ rất quan trọng. Ngay từ khi mang thai, người mẹ cần được kiểm tra tổng quát và vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đồng thời thực hiện những điều trị nha khoa cần thiết bởi những vi khuẩn gây sâu răng có thể truyền từ mẹ sang con sau khi bé được sinh ra. Đồng thời bà mẹ nên ăn uống đủ chất, tăng cường trái cây và rau củ; tăng cường các thực phẩm giàu canxi như sữa, phô mát, đậu khô và những loại rau có lá xanh. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm cũng cần được cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ; tránh cho trẻ uống nước có ga, hạn chế ăn bánh kẹo ngọt và thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây chiên hay bánh quy dính; tránh ăn vặt liên tục.