Mẹ mắc bệnh về răng, con cũng chịu ảnh hưởng

Theo TS-BS Nguyễn Phú Hòa – Giám đốc Trung tâm Nha khoa Phú Hòa (484 đường Trần Khát Chân, Hà Nội), việc thay đổi thể chất và thói quen sinh hoạt khi mang thai khiến thai phụ dễ mắc các bệnh lý về răng miệng hơn bình thường.

Thay đổi nội tiết khi mang thai cũng làm cho lợi của bà mẹ dễ bị viêm và chảy máu. Nhất là trong những tháng đầu của thai kỳ, thai phụ thường bị nôn, dịch axít trong dạ dày lưu lại dễ gây sâu răng. Hơn nữa trong thời kỳ thai nghén, các bà mẹ ăn uống thất thường, nhiều người ăn đồ ngọt nhiều hơn bình thường nên rất dễ bị sâu răng.

Khi hàm răng không đảm bảo tốt chức năng ăn nhai, thường xuyên gây đau đớn, khó chịu thì chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe toàn thân của người mẹ. Bên cạnh đó, bệnh lý răng miệng ở người mẹ còn tác động đến sự phát triển của bào thai, đặc biệt là sự hoàn chỉnh của hàm răng em bé sau này.

Theo một số nghiên cứu, phụ nữ mang thai bị viêm lợi, viêm nha chu sẽ tăng nguy cơ sảy thai, sinh non gấp 2-3 lần, dễ bị tiền sản giật, trẻ sinh ra nhẹ cân (dưới 2,5kg). Khi mẹ viêm lợi, viêm nha chu, trong miệng sẽ xuất hiện một số vi khuẩn có hại. Các vi khuẩn này di chuyển từ khoang miệng vào nhau thai, làm tăng nồng độ sinh lý trong dịch ối, gây chuyển dạ sớm, sinh non, sinh nhẹ cân.

Ngoài ra, khi mang thai, mẹ bị viêm lợi sẽ khiến lượng canxi bé hấp thụ từ mẹ giảm sút, đây là nguyên nhân khiến bé nhẹ cân và không khỏe mạnh.

Những em bé mà mẹ có nhiều răng sâu cũng có nguy cơ sâu răng từ sớm rất cao. Vì thế, việc giữ vệ sinh răng miệng không chỉ tốt cho mẹ mà còn quyết định sức khỏe răng miệng của bé sau này. Cách lý tưởng nhất là bắt đầu phòng ngừa răng sâu cho bé ngay từ khâu chăm sóc răng miệng của người mẹ trong thời kỳ mang thai.

Nên phòng ngừa bệnh lý răng miệng trước khi mang thai

TS-BS Nguyễn Phú Hòa nhấn mạnh, trước khi mang thai, cùng với việc kiểm tra sức khỏe toàn thân, phụ nữ nên chú ý đi khám để phòng ngừa và điều trị dứt điểm các bệnh lý về răng miệng nhằm tránh nguy cơ tiến triển nặng hơn cũng như giảm thiểu việc can thiệp trong quá trình mang thai.

Trong quá trình khi mang thai và cho con bú, người mẹ nên chú ý chăm sóc, vệ sinh răng miệng, chải răng thường xuyên bằng bàn chải có lông mềm, súc miệng sạch sau khi ăn. Trước những khuyến cáo trong một số bài viết trên mạng xã hội về việc mẹ bầu không nên sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng có chứa Fluoride , TS-BS Nguyễn Phú Hòa cho biết đây là thông tin không chính xác. Bởi hàm lượng Fluoride trong kem đánh răng và các loại nước súc miệng thông thường rất thấp và không có khả năng gây ngộ độc cho bà mẹ hoặc thai nhi.

Nếu không may, người mẹ mắc bệnh lý răng miệng khi mang thai thì bác sĩ nha khoa sẽ phố hợp với chuyên gia về sản khoa cân nhắc để đưa ra quyết định điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Trong trường hợp có chỉ định điều trị nha khoa, như nhổ răng, điều trị tuỷ …thì việc chụp X-quang nha khoa, gây tê tại chỗ và dùng thuốc kháng sinh như là Amoxicillin, penicillin … không gây ảnh hưởng nhiều đối với bà mẹ và em bé, Vì vậy, các bà mẹ không nên quá lo lắng và nên đi khám sớm nếu thấy xuất hiện triệu chứng bất thường về răng miệng để được can thiệp kịp thời, tránh bệnh diễn tiến nặng.