Trong một chuyến công tác tới Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, tôi gặp chị Lý Thị Sâu, dân tộc Mông ở hành lang khoa sản của bệnh viện. Chị Sâu đang chờ con gái ở trong phòng sinh. Chị cho biết, con gái chị năm nay 19 tuổi, lấy chồng năm ngoái, tôi hỏi chị, vì sao cho con lấy chồng sớm thế, chị Sâu chỉ cười... và nói: “Con gái thích thì cho lấy chồng thôi”.

Ở một góc sân của bệnh viện, cô bé Vàng Thị Mỷ cũng người dân tộc Mông. Năm nay Mỷ 20 tuổi, nhưng đã có 2 con, đứa địu trên lưng, đứa dắt ở tay. Đợt này đứa nhỏ ốm, Mỷ đành đưa cả đứa lớn đi viện vì nhà không có người trông. Cũng một câu hỏi, vì sao lấy chồng đẻ con sớm thế, đáp lại Mỷ …cũng chỉ cười…

Ths-BS Nguyễn Như Tuấn – Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà cho biết, ở đây có không ít trẻ em gái làm mẹ ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” như Mỷ. Mặc dù hằng năm, ngành y tế tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh đẻ ở tuổi vị thành niên… nhưng tỷ lệ này thuyên giảm chưa nhiều.

“Bắc Hà là huyện vùng cao, dân tộc thiểu số chiếm đa số vì thế có những phong tục rất khó thay đổi, tình trạng tảo hôn, sinh đẻ ở tuổi vị thành niên, điều này gây ra nhiều hậu quả trong quá trình sinh sản như chảy máu sau đẻ, đây là cấp cứu gây tử vong hàng đầu trong sinh đẻ”.

Dù có nhiều nỗ lực trong việc thu hẹp khoảng cách về chăm sóc sức khỏe cho ba mẹ và trẻ em giữa các khu vực trên cả nước song tỷ lệ tử vong mẹ ở phụ nữ vùng dân tộc thiểu số hiện vẫn cao gấp 7 lần so với người Kinh, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em, nhất là suy dinh dưỡng thể thấp còi ở khu vực miền núi dân tộc thiểu số cao gấp từ 2 đến 3 lần so với mặt bằng chung của cả nước.

Thực tế này cho thấy, cần đẩy mạnh những giải pháp can thiệp trọng tâm để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe - Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, để giúp các tỉnh miền núi như Lào Cai thực hiện các mục tiêu của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong đó có mục tiêu về giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi… hiện nay Bộ Y tế đang tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm.

“Chúng tôi đang nỗ lực tiếp cận những dịch vụ gần dân nhất ở vùng sâu, vùng xa, các can thiệp giúp giảm được tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh là các chăm sóc thai nghén, bà mẹ được chăm sóc thai nghén, quản lý thai, đến các cơ sở y tế để khám thai và đẻ tại cơ sở y tế, thứ 2 là chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ giúp trẻ được bú mẹ ngay từ những giờ đầu để trẻ có tình trạng sức khỏe tốt, thứ 2 nữa là giải pháp thực hiện đối với đứa trẻ như là kangaroo đối với trẻ nhẹ cân non tháng để trẻ có sức khỏe tốt, giảm tử vong. Đặc biệt trong những năm qua ở vùng sâu vùng xa mặc dù chúng tôi đào tạo cán bộ rất khó khăn nhưng đã đào tạo đến tuyến tỉnh và tuyến tỉnh tiếp tục hỗ trợ xuống tuyến dưới và tổ chức thực hiện triển khai ở tuyến dưới”- ông Trần Đăng Khoa nói.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản, ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe - Bà mẹ trẻ em cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản. Sẽ khởi động lại Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816... trong đó huy động các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố có thế mạnh về sản-nhi như Hải Phòng, Huế, TP. Hồ Chí Minh cùng chung tay với các bệnh viện tuyến trung ương sớm lấp đầy khoảng trống về y tế, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 4440 phân công phạm vi chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa. Trong đó giao Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng hỗ trợ và chuyển giao các kỹ thuật thuộc các lĩnh vực sinh sản, chăm sóc sản phụ, thai nhi và trẻ sơ sinh cho các cơ sở y tế cho 5 tỉnh thuộc địa bàn miền núi.

“Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng sẵn sàng chuyển giao những kỹ thuật tốt nhất, phù hợp với điều kiện nhân lực cũng như trang thiết bị y tế, mô hình bệnh tật của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc đào tạo trực tiếp, bệnh viện cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ đào tạo nhân lực, công nghệ quản lý bệnh viện, hỗ trợ chuyên môn thông qua khám, chữa bệnh từ xa (telehealth).”- PGS-TS-BS Vũ Văn Tâm- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cho hay.

Thêm vào đó, việc chăm sóc sức sức khỏe bà mẹ, trẻ em còn là việc sàng lọc và dự phòng các bệnh di truyền để chúng ta có những em bé khỏe mạnh, không mang gen bệnh.

Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc miền núi chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20- 40%.

Theo đại diện Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, thói quen hôn nhân cận huyết hoặc chỉ lấy người trong cộng đồng của mình khiến tỷ lệ sinh ra các em bé mắc bệnh Thalassemia cao. Nếu hai người mang gen gặp nhau khả năng sinh ra trẻ bị bệnh là 25%.

Riêng 6 dân tộc chủ yếu ở miền núi phía Bắc như Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao và H’Mông thì tỷ lệ mang gen và mắc bệnh khá cao như: 26,1% ở dân tộc Tày; 25,5% ở dân tộc Dao, 24,7% ở dân tộc Nùng… Đặc biệt, tại Sơn La, dân tộc Xinh Mun có tỷ lệ mang gen rất cao, lên tới hơn 80%. Tại các địa bàn này, ước tính mỗi năm, khoảng 100.000 trẻ ra đời thì có khoảng 250 trường hợp thai nhi bị phù (không thể sống), khoảng 200 trẻ bị bệnh ở mức độ trung bình đến nặng - là những bệnh nhân sẽ phải điều trị cả đời.

Và để giảm thiểu sự tác động của căn bệnh tan máu bẩm sinh, Viện Huyết học- Truyền máu TƯ đã phối hợp với Cục Dân số triển khai các hoạt động thiết thực cho cộng đồng dân cư thuộc khu vực miền núi. Tuy nhiên, các hoạt động truyền thông, giáo dục sớm cho người dân về nguy cơ của việc kết hôn cận huyết thống cũng như yêu cầu và hỗ trợ các cơ sở y tế triển khai sàng lọc trước sinh/sơ sinh và sàng lọc trước hôn nhân cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có những giải pháp thiết thực hơn, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp và quyết liệt từ lãnh đạo các địa phương.

Việc tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp sẽ là những điều kiện để tổ chức và thực hiện tốt mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em để từng bước thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng, giữa thành phố, vùng nông thôn và các khu vực còn khó khăn.