TS.BS Cao Vũ Hùng – Giám đốc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, động kinh là bệnh điều trị trong nhiều năm nên phần lớn các bệnh nhi được điều trị tại nhà. Cha mẹ khi đưa trẻ đến khám sẽ được làm các xét nghiệm liên quan, được bác sĩ chẩn đoán và kê đơn thuốc.
Tuỳ theo mức độ cũng như diễn biến của bệnh, trẻ sẽ được hẹn tái khám định kỳ hàng tháng hoặc vài tháng một lần để đánh giá lại tình trạng, tiến triển của bệnh thông qua các xét nghiệm, điện não đồ, kiểm tra tác dụng phụ của thuốc điều trị, từ đó cân nhắc điều chỉnh đơn thuốc phù hợp hoặc giảm liều thuốc điều trị cho trẻ khi bệnh ổn định, đủ điều kiện.
Trẻ được coi là khỏi bệnh khi có ít nhất hai năm không tái phát bất cứ cơn co giật động kinh nào và không có các bất thường trên điện não đồ hay chẩn đoán hình ảnh.
Để chăm sóc trẻ động kinh, gia đình nên lập cho trẻ có chế độ sinh hoạt khoa học, điều độ. Trừ một số dạng động kinh đặc biệt yêu cầu chế độ ăn riêng thì hầu hết trẻ phải được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế các chất kích thích như cay, nóng, đồ uống có cồn. Trẻ phải được ngủ đủ giấc, đúng giờ, không thức khuya. Trong thời điểm trẻ phải ở nhà học online, cha mẹ cần tránh cho trẻ ngồi và nhìn quá lâu vào màn hình máy tính, tivi, điện thoại…, thay vào đó tạo lập kế hoạch, lên thời khoá biểu xen kẽ giữa học tập và nghỉ ngơi phù hợp.
Thể dục vận động bình thường, nhẹ nhàng là cần thiết, song cha mẹ cần chú ý môi trường xung quanh trẻ đảm bảo an toàn. Cách ly trẻ khỏi những đồ vật sắc nhọn như dao kéo, góc cạnh bàn ghế, tủ, kính… Hạn chế để trẻ ở hay đi chơi một mình, tuyệt đối không đến những nơi tiềm ẩn nguy cơ như bờ sông, bờ suối, nơi có xe qua lại. Luôn có người lớn bên cạnh để giám sát, xử trí kịp thời nhằm giảm thiểu tình huống xấu hay tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Thường xuyên cho trẻ đội mũ bảo hiểm hoặc mũ chuyên dụng khi ra khỏi nhà (nhất là với trẻ thường xuyên có các cơn động kinh) nhằm hạn chế chấn thương đầu cho trẻ khi có cơn động kinh xảy ra.
Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý cho trẻ uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, không tự ý tăng hoặc giảm liều vì có thể gây ngộ độc thuốc hoặc tái phát các cơn động kinh. Tuyệt đối không được tự ý dừng, bỏ thuốc, quên uống thuốc dù chỉ một lần, điều này có thê ảnh hưởng và làm giảm hiệu quả điều trị.
“Sự tuân thủ lịch tái khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ là yếu tố quyết định hàng đầu. Bên cạnh đó cần tập cho trẻ có thói quen sinh hoạt, ăn uống điều độ, học tập và nghỉ ngơi phù hợp. Cha mẹ cũng cần cho trẻ uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, đúng liều, khi gần hết thuốc phải đưa trẻ tái khám hoặc mua thuốc bổ sung để đảm bảo quá trình điều trị không bị gián đoạn vì bất cứ lí do gì. Chú ý chăm sóc và theo dõi sức khoẻ cho trẻ cẩn thận, trong quá trình điều trị bằng thuốc nếu thấy có các dấu hiệu bất thường, hãy đưa trẻ đến những cơ sở y tế chuyên khoa Thần kinh uy tín để trẻ được thăm khám và điều trị kịp thời.” – TS. BS. Cao Vũ Hùng khuyến cáo.