Các chấn thương tùy thuộc vào bộ môn thể thao

Mỗi môn thể thao chuyên sâu sẽ có đặc điểm chấn thương khác nhau về vị trí chấn thương, tổ chức bị chấn thương,nguyên nhân chấn thương. Thông thường các vị trí trên cơ thể bị "phơi nhiễm nguy cơ chấn thương - là vị trí hở, không mang dụng cụ bảo hộ phòng tránh chấn thương" sẽ dễ bị chấn thương hơn. Theo đó, môn thể thao nào sử dụng chi dưới nhiều thì chân dễ bị chấn thương hơn, môn thể thao sử dụng chi trên nhiều thì tay dễ bị chấn thương hơn. Ví dụ môn võ hay bị chấn thương chân và tay, môn cử tạ thường chấn thương ở thắt lưng và tay, môn golf thì vị trí chấn thương vùng vai, chi trên, cổ nhân, đặc thù vùng cơ mạn sườn hoặc cơ liên sườn, và thắt lưng.

Chấn thương có thể do ngoại lực và nội lực

Theo BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao: nguy cơ chấn thương có thể do lực tác động bên ngoài vào hoặc nội lực từ bên trong phát ra theo momen xoắn lực. Việc không tuân thủ các điều lệ, kỷ luật thi đấu, kỹ thuật, chiến thuật, điều kiện vệ sinh tập luyện như sân bãi, ánh sáng, độ ẩm, tốc độ gió..., dụng cụ trang thiết bị thi đấu, trang phục thi đấu, dụng cụ bảo hộ….. cũng là các yếu tố gia tăng chấn thương ở các vận động viên nghiệp dư.

Xử trí chấn thương thể thao đúng cách giảm mức độ tổn thương

Xử trí chấn thương như thế nào? Áp dụng theo nguyên lý R.I.C.E, sau đó bệnh nhân phải được khám và điều trị chuyên khoa là nhấn mạnh của PGS.TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao. Phác đồ R.I.C.E trong thể thao gồm:

R (rest), nghĩa là nghỉ ngơi. Người chơi hoặc vận động viên ngừng lập tức việc tập luyện, thi đấu, thậm chí có thể bất động tạm thời bộ phận bị chấn thương từ 24 đến 72 giờ bằng nẹp.

I (ice), nghĩa là chườm lạnh, tuyệt đối không chườm nóng.

C (compression), nghĩa là băng ép, dùng băng hoặc đai, nịt chuyên dụng quấn ép vùng bị thương để giúp cầm máu tốt hơn, giảm phù nề và tràn dịch.

E (elevation), nghĩa là treo cao tay hoặc kê cao chân bị thương. Cách này giúp máu trở về tim tốt hơn, làm giảm sưng và viêm.

Cũng theo PGS.TS. BS Võ Tường Kha đã có những sai lầm đáng tiếc trong xử trí các chấn thương. Phổ biến nhất là tự ý xử lý, lẽ ra chấn thương cấp tính thì áp dụng nguyên tắc RICE và bất động nhưng lại tự ý chườm nóng, ngâm nước muối, đến các thầy lang tự ý nắn chỉnh mà không kiểm tra cận lâm sàng đầy đủ (siêu âm, X-Quang, MRI...)

Phòng, tránh chấn thương thể thao bằng cách nào?

Điều đầu tiên phải xác định rõ: mục đích chơi thể thao?

Hai là, bạn phải được bác sỹ thể thao, huấn luyện viên thể thao đánh giá tình trạng thể lực và bệnh lý tiềm ẩn để được tư vấn chọn môn thể thao phù hợp: tập để mạnh gân cơ nên chọn môn thể hình, cử tạ, gym...; tập để tăng sức nhanh, tăng phản xạ thần kinh nên chọn các mộ cầu, môn bóng, nôn võ...., tập để tăng sức bền, tăng sự dẻo dai, chưa béo phì, chữa các bệnh lý mạn tính (tăng huyết án, đái đường, bệnh phổi...) nên chọn môn đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp bơi lội...

Ba là được tư vấn về cường độ vận động, lượng vận động trong một buổi tập, một bài tập để đảm bảo phù hợp điều kiện sức khỏe của bản thân hiện tại.

Bốn là xem xét điều kiện vệ sing luyện tập phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn cho từng môn thể thao về sân bãi, dụng cụ tập luyện, quần áo, trang phục, dụng cụ bảo hộ, điều kiện môi trường, khí hậu.

Năm là thực hiện kỹ thuật, chiến thuật đúng quy định, không sáng tạo động tác kỹ thuật, chiến thuật thừa có nguy cơ gây chấn thương.

Sáu là chấp hành kỷ cương, kỷ luật, điều lệ của từng môn, từng giải thi đấu, tập luyện.

Bảy là đảm bảo chế độ nước uống, dinh dưỡng, nghỉ ngơi, hồi phục đầy đủ, hợp sau mỗi buổi tập cho lần tập luyện kế tiếp.

Tám là cần được tư vấn, khám, chữa trị đầy đủ, khoa học, đúng chuyên khoa khi có dấu hiệu chấn thương, mệt mỏi hoặc có vấn đề về tình trạng thể lực.

Nghe tư vấn của PGS.TS Võ Tường Kha ngay dưới đây: