BS Mai Minh Hiền – Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Gia Lai nhận định trongcuộc trao đổi với phóng viên VOV2.

Theo BS Mai Minh Hiền, trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, bình quân mỗi năm, tỷ lệ phát hiện bệnh lao các thể trung bình là 46-47/100.000 dân. Xu hướng phát hiện bệnh nhân lao có chiều hướng giảm nhưng tình trạng nguồn lây trong cộng đồng còn nhiều.

Đặc biệt, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều bệnh nhân ngại đi khám, việc triển khai các hoạt động phòng chống lao còn hạn chế. Thêm vào đó, trong thời gian diễn ra dịch, bệnh viện bị chuyển công năng điều trị bệnh nhân Covid-19 nên trong năm 2021, toàn tỉnh chỉ phát hiện 500 bệnh nhân lao các thể.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân lao được phát hiện tăng vọt. “10 tháng đầu năm có khoảng 500 ca. Cuối năm khả năng tăng hơn 700 ca. Tỷ lệ phát hiện bệnh lao các thể tăng gấp đôi 77-80/100.000 dân nhờ thực hiện 2X sàng lọc ngoài cộng đồng” – BS Mai Minh Hiền cho biết.

Chiến lược 2X sau gần một năm thực hiện

Từ tháng 1 năm 2022 đến tháng 12 năm 2023, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến sức khỏe cộng đồng (viết tắt là SCDI) hỗ trợ 3 huyện: Krông Pa, Đức Cơ, Chư Prông của tỉnh Gia Lai sàng lọc và điều trị bệnh nhân lao ngoài cộng đồng.

Theo đó việc chụp X quang và làm xét nghiệm Xpert trên đờm được đưa về tận khu dân cư nên được người dân hưởng ứng. Sau gần 1 năm thực hiện, dự án đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên chuyên trách phòng chống lao ở cơ sở, thực hiện công việc hỗ trợ ngành y tế phát hiện sớm, giám sát điều trị cho bệnh nhân lao. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân không chỉ được phát hiện sớm mà còn điều trị kịp thời ngăn ngừa được biến chứng do lao phổi.

Chị Rơ O H Hop - Cộng tác viên của mạng lưới CSET phòng chống lao của xã IaMlah, huyện Krông Pa cho biết ở xã, phần lớn người dân là đồng bào dân tộc Gia Rai, trước nay thường không quan tâm đến sức khỏe. Nhờ có chiến dịch sàng lọc bệnh lao, chị đến từng hộ gia đình vận động, thuyết phục nên nhiều người mới chịu đi khám.

Điển hình là anh Kpă Chức, dân tộc Gia Rai ở buôn Tân Túc, xã IaMlah, huyện Krông Pa có biểu hiện ho, mệt mỏi mỗi khi đi trồng mì từ hồi tháng 3. Thậm chí có ngày ho ra máu, thế nhưng vì điều kiện khó khăn, anh lại không có thẻ bảo hiểm y tế do gia đình vừa ra khỏi hộ nghèo nên anh cương quyết không đi khám cho đến ngày được chị Rơ O H Hop vận động đi khám sàng lọc miễn phí.

Được điều trị lao tấn công ở Trung tâm y tế huyện 1 tháng, sức khỏe hiện nay của anh đã dần được hồi phục. “Uống nay đỡ rồi, đi là mệt, còn ngồi im như vậy thì không sao, thỉnh thoảng còn ho thôi, không ho ra máu nữa” - anh Kpă Chức cho biết.

Tình trạng ho, khó thở, mệt mỏi nặng hơn, song vẫn không chịu đi khám cũng là trường hợp của ông A Lê Biếp, 65 tuổi ở buôn Dù. Kết quả chụp X quang và làm xét nghiệm Xpert trên đờm cho thấy ông Biếp đã bị lao tổn thương phổi nặng, phải điều trị cấp ở Trung tâm y tế huyện. Sau gần 1 tháng điều trị, tình trạng của ông Biếp bắt đầu ổn định, dù chưa thể lao động nặng như trước kia nhưng triệu chứng khó thở, ho ra máu đã không còn.

BS Kpă Hip – Trạm trưởng trạm y tế xã IaMlah cho biết: Năm 2021, xã không có bệnh nhân lao. Đến tháng 5 vừa rồi, được sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng, xã đã triển khai khám sàng lọc được hơn 860 người, trong đó phát hiện 9 người mắc bệnh lao. Ông Chức và ông Biếp là 2 trong số 9 người mắc bệnh lao được phát hiện chủ động nhờ chương trình này.

9 ca này đang giai đoạn điều trị, một số điều trị giai đoạn tấn công ở TTYT huyện xong chuyển về trạm y tế xã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân lao. Hết thuốc thì cán bộ chuyên trách vận động bệnh nhân đi tiếp tục lấy thuốc phòng kháng thuốc”.

Ngoài ra, bệnh nhân lao ở đây còn được hỗ trợ làm thẻ BHYT, họ cũng có thể yên tâm hơn khi điều trị bệnh, bà con cũng hiểu rõ hơn về bệnh lao, từ đó biết cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.