Thiếu vật tư vì... thừa thủ tục?

Hàng loạt những bất cập trong công tác đấu thầu sinh phẩm, trang thiết bị vật tư được đề cập đầu tiên.

Thông tư về đấu thầu mua sắm từ năm 2016 quy định phải đủ 3 báo giá mới xây dựng kế hoạch mua sắm. Nhưng thực tế thì có những mặt hàng độc quyền hoặc hãng chỉ có 1-2 đại diện ở 1 quốc gia, không đủ báo giá theo quy định.

Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, hiện 10% vật tư y tế, trang thiết bị của các cơ sở y tế trên địa bàn là hàng đặc thù, riêng biệt chỉ có một hoặc hai nhà sản xuất nên cơ sở y tế không thể có được 3 báo giá. Vì vậy, không thực hiện được việc mua sắm trang thiết bị.

Khó khăn nữa là tất cả các gói thầu mua sắm đều phải thực hiện đấu thầu qua mạng; kể cả các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế với hàng trăm đến hàng ngàn mặt hàng/gói thầu. Trong khi đó, hạ tầng của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa đáp ứng được.

“Có lúc muốn tham khảo, tra cứu phải mở... 18 cửa sổ mới tìm được thông tin, có lúc cả bệnh viện tập trung đấu thầu...” – BS Nguyễn Tri Thức, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

Về hóa chất xét nghiệm, vật tư tiêu hao dành cho mổ xẻ. Theo quy định, việc mua các vật tư tiêu hao phải đảm bảo vật tư đó được phép lưu hành trên thị trường và có giấy phép. Nhưng các giấy trên đã hết hạn từ ngày 1/1/2023 theo quy định của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế và vẫn chưa được Bộ Y tế cấp mới/gia hạn nên không đáp ứng được tiêu chí về giấy phép nhập khẩu/giấy chứng nhận đăng ký lưu hành. Và tất nhiên là không thể trúng thầu.

Chúng ta đã tháo gỡ được vấn đề giấy phép lưu hành cũng như giấy phép về hoạt động cho gần 10.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế. Nhưng đối với vật tư tiêu hao, đến nay vẫn chưa xử lý được.

Một nguyên nhân khác là quy trình đấu thầu gồm lập dự toán, kế hoạch, thẩm định giá, thực hiện đấu thầu, quá nhiều khâu, kéo dài thời gian. Thực hiện xong một gói thầu phải mất vài tháng thì lấy đâu ra thuốc men, vật tư y tế để phục vụ điều trị, chăm sóc bệnh nhân kịp thời.

Thiếu thật hay thiếu ảo?

Với góc nhìn của một chuyên gia phân tích chính sách y tế, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng thẳng thắn bày tỏ: Chính sách dù chưa phù hợp đi chăng nữa cũng không thể gây ra hiện tượng thiếu diện rộng như hiện nay.

“Trong thời đại toàn cầu hóa và hệ thống công nghệ thông tin như hiện tại thì không có chuyện thiếu vật tư trang thiết bị. Đây không phải là thiếu như những ngày đất nước còn chiến tranh. Đây là cái thiếu ảo”.

Hệ thống y tế Việt Nam đã nằm gọn trong vòng xoắn “công - tư lẫn lộn” – theo TS Tuấn, đây là căn nguyên khiến tình trạng thiếu ảo hình thành và diễn ra kéo dài đối với hệ thống y tế công.

Môi trường y tế chỉ toàn “công tư hợp tác”, thiếu vắng giám sát và phản biện độc lập đẩy nền y tế sang hướng thương mại hóa. Ở đây là thúc đẩy gia tăng chi phí y tế cả từ ngân sách nhà nước và tiền túi người dân, tăng sự lạm dụng dịch vụ y tế theo hướng “tận thu”, chăm sóc và chữa trị người bệnh chạy theo trang thiết bị y tế hiện đại mà “bỏ quên những phương thức phòng và điều trị căn bản, hiệu quả, rẻ tiền, vì dân, xem nhẹ chăm sóc sức khỏe ban đầu”, khiến chất lượng chăm sóc y tế thực chất bị kéo lùi so với nguồn lực bỏ ra.

Qua nghiên cứu về mô hình của các nước trên thế giới, TS Trần Tuấn đề xuất giải quyết vấn đề thực tế bằng việc xây dựng 3 loại hình bệnh viện. Đó là bệnh viện công, bệnh viện tư và bệnh viện nhân đạo không vì lợi nhuận.

“Chỉ cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế thì các loại hình bệnh viện sẽ vận hành trơn tru”, TS Trần Tuấn nêu.

1 mình Bộ Y không thể vượt khó

Cục Quản lý Dược vừa ký quyết định gia hạn đợt 2 cho 715 số đăng ký thuốc trong nước và nước ngoài theo Nghị quyết 80 của Quốc hội. Nâng tổng số thuốc được gia hạn theo Nghị quyết 80 của Quốc hội đến thời điểm hiện tại là: 9.593 thuốc, kịp thời đáp ứng nguồn cung về thuốc cho cơ sở Khám chữa bệnh.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 98 về quản lý trang thiết bị. Chính phủ cũng đang họp để sửa và tiếp tục kéo dài thời gian hiệu lực của Nghị quyết 144 về đảm bảo trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, các bất cập liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc và thanh toán BHYT sẽ được giải quyết. Trong đó tập trung giải quyết vướng mắc về giá.

"Trước đây, yêu cầu phải có 3 báo giá, nhưng có những mặt hàng không đủ 3 báo giá là hàng độc quyền nên chúng tôi đề nghị sửa theo hướng chấp nhận có những trường hợp chỉ có 1 hoặc 2 báo giá để lựa chọn"- Thứ trưởng Lê Đức Luận thông tin.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, thành viên Ủy ban xã hội Quốc hội cho rằng: “Để giải quyết được những khó khăn hiện tại của ngành Y, cần có thêm sự vào cuộc của các Bộ, ban ngành của Chính phủ, của Quốc hội và cả của Đảng”

Những vấn đề thuộc về văn bản pháp quy là vai trò của Quốc hội, Chính phủ. Việc cơ cấu lại ngành, cũng như công tác tổ chức cán bộ cần có sự vào cuộc của Chính phủ, kể cả công tác tổ chức cán bộ của Đảng. Những vấn đề như trang thiết bị, vật tư, máy móc, thuốc men thì có sự vào cuộc của cả Chính phủ, của Tài chính, Bảo hiểm y tế…

Ngày 3/3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị định số 07/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế, hy vọng Nghị định sẽ gỡ được những 'nút thắt' về cơ chế để bài toán thuốc men, trang thiết bị y tế được giải quyết.