Chị Nguyễn Thu Hà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, bình thường con gái 2 tuổi của chị rất tự giác và tự lập trong chuyện ăn uống nhưng khi bị ốm thì chuyện ăn của con khá vất vả. “Khi ốm con không muốn ăn, cùng lắm chỉ ăn cháo, những lúc bé không ăn là phải dỗ dành, động viên con. Chứ uống thuốc vào mà lại ko có ăn uống đc để tăng sức đề kháng thì cũng mệt” – chị Hà cho hay. Cả nhà đều lo khi bé ốm, một phần về bệnh các bé, phần nữa là chuyện ăn uống cần thực hiện như thế nào để giúp bé vượt qua thời gian mệt mỏi, nhanh chóng hồi phục.

Nếu chỉ ốm vặt, con sẽ nhanh chóng trở lại với nhịp sinh hoạt và ăn uống bình thường, nhưng những đợt ốm lâu có kèm theo ho, sốt hoặc tiêu chảy thì chuyện ăn uống của con sẽ vô cùng vất vả và đau đầu bởi đây là một vấn đề không dễ xử lý.

Ths, BS Hồ Thị Hoa cho biết trong thời gian bé bị ốm, cách chăm sóc dinh dưỡng cũng như cách chế biến cần phù hợp với các bé.

Nhiều cha mẹ băn khoăn không biết nên cho trẻ ăn uống như thế nào khi các bé bị ốm, sốt. Theo chuyên gia, khi các bé bị ốm sốt từ 38,5 độ trở lên, có xu hướng bỏ ăn, nhất thiết phải cho các bé uống thuốc hạ sốt. Đến khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống, các mẹ tranh thủ cho bé ăn.

Tùy vào thể trạng và độ tuổi mà các cha mẹ có thể lựa chọn những món ăn phù hợp với con mình. “Với các bé bú mẹ lúc hạ sốt sẽ cho bé bú nhiều hơn, bé trong độ tuổi uống sữa công thức các mẹ cần bổ sung sữa cho bé, nếu trẻ đang ăn dặm cần cho bé ăn các món cháo yêu thích, Còn các bé lớn hơn, bé thích ăn gì cha mẹ có thể chiều bé, tuy nhiên, ưu tiên các món mềm, dễ ăn…” – BS Hoa nói.

Đối với các bé bị sốt kèm ho và viêm họng thường dễ bị kích ứng gây nôn, trớ, vậy chế độ dinh dưỡng cũng như cách ăn, uống có điều gì nên chú ý? BS Hồ Thị Hoa khuyên nên ưu tiên cháo, súp vì đây là những món mềm. Bên cạnh đó, cho các bé uống sinh tố hoa quả, nước ép trái cây. Khi các con bị ốm kèm viêm họng, để bé tránh bị nôn trớ, các mẹ không nên ép con ăn, hoặc cho con ăn quá no. Nên chia nhỏ bữa ăn và tránh các tác nhân khiến các bé khóc. Đặc biệt, cha mẹ nên rửa sạch đờm dãi trước khi cho con ăn để tránh gây kích ứng làm cho bé bị nôn, trớ.

Tuy nhiên, có lẽ điều khiến các bậc cha mẹ lo lắng và đau đầu nhất là khi các bé có kèm các biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Theo BS Hồ Thị Hoa, khi Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tùy vào tình trạng của con, các mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ. Nếu trẻ chỉ bị loạn khuẩn thông thường thì các bác sĩ sẽ bổ sung men vi sinh. Còn nếu trẻ bị rối loạn tiêu hóa do bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus thì các bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh hoặc kèm men vi sinh hoặc kẽm để điều trị.

Nhiều cha mẹ tạm thời không cho con ăn, hoặc chỉ ăn cháo trắng vì lo sợ con bị tiêu chảy nặng hơn, quyết định này không hẳn chính xác. Theo BS, tùy thuộc vào tình trạng của con, các mẹ sẽ có các chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nếu trẻ bị loạn khuẩn, cha mẹ có thể cho trẻ ăn uống bình thường. Nếu cha mẹ thấy trong phân của trẻ có nước hoặc nhầy mỡ, có thể có những hạt mỡ do tiêu hóa không hết thì theo dân gian thường chỉ cho ăn cháo trắng, nhưng thực tế trẻ có thể ăn theo chế độ thanh đạm hơn bình thường ví dụ như cháo trắng có kèm theo thịt nạc, lượng thịt ít hơn và vẫn ăn rau củ quả bình thường. Chú ý lúc này, lượng đạm sẽ ít hơn và hạn chế dầu mỡ

Theo BS Hoa, nước đóng vai trò rất quan trọng khi trẻ bị ốm. Với trẻ bị sốt có thể bổ sung nước oresol hoặc nước dừa, nước ép hoa quả như nước cam vắt, điều này giúp trẻ nhanh khỏe mạnh, tránh mất nước. Nguyên tắc uống nước là uống từng ngụm nhỏ.

Đặc biệt lưu ý nếu trẻ sốt cao kèm tiêu chảy cần đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời và đúng cách- BS Hồ Thị Hoa khuyến cáo.