BS Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị chia sẻ góc nhìn thực tế. Từ những bất cập khi dữ liệu y tế chưa được liên thông, chi phí không đáng có đến giải pháp để tái sử dụng kết quả xét nghiệm hiệu quả hơn.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, chúng ta đã có 32,1 triệu sổ sức khỏe điện tử được tích hợp qua VNeID, nhưng thực tế bệnh nhân vẫn phải lặp lại xét nghiệm khi chuyển viện. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?
BS Nguyễn Đặng Khiêm: Đúng là chúng ta đang ở giai đoạn ban đầu của chuyển đổi số y tế. Ý tưởng rất tốt, nhưng việc triển khai còn nhiều hạn chế. Dữ liệu chưa được cập nhật theo thời gian thực, nhiều nhân viên y tế và người dân thậm chí chưa hiểu rõ về hệ thống. Chúng tôi mong muốn một hệ thống liên thông xét nghiệm giữa các tuyến, có đầy đủ thông tin tiền sử bệnh tật để việc chẩn đoán và điều trị được hiệu quả hơn.
Phóng viên: Từ góc độ là cán bộ y tế, ông đã gặp trường hợp bệnh nhân phản ứng khi phải làm lại xét nghiệm?
BS Nguyễn Đặng Khiêm: Là bác sĩ làm việc tại khoa Cấp cứu, tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ các tuyến chuyển đến. Rất nhiều bệnh nhân và người nhà họ cảm thấy bức xúc, thậm chí phản ứng gay gắt về việc phải làm lại xét nghiệm. Họ không hiểu tại sao phải chi trả thêm chi phí và mất thêm thời gian. Chúng tôi phải giải thích rằng đôi khi xét nghiệm cần được cập nhật do diễn biến bệnh, nhưng không phải lúc nào giải thích cũng thuyết phục được.
Phóng viên: Chi phí xét nghiệm thường chiếm bao nhiêu phần trăm tổng chi phí điều trị và ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tiếp cận y tế của người dân?
BS Nguyễn Đặng Khiêm: Chi phí xét nghiệm cận lâm sàng thường chiếm khoảng 1/3 chi phí điều trị, thậm chí có thể vượt quá 50% đối với các bệnh lý phức tạp. Đối với bệnh nhân phải trải qua quá trình điều trị dài ngày, việc tiết kiệm được từng đồng là rất quan trọng. Những khoản chi phí này có thể được sử dụng cho thuốc men hoặc quá trình phục hồi sức khỏe.
Phóng viên: Làm thế nào để giải quyết việc liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện, thưa ông?
BS Nguyễn Đặng Khiêm: Chúng ta cần một giải pháp đồng bộ, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của nhân viên y tế. Chúng ta cần chuyển từ tư duy hành chính sang tư duy số. Hệ thống bệnh án điện tử cần được thống nhất từ tuyến thấp nhất đến tuyến cao nhất. Nếu tất cả bệnh viện có thể truy cập xét nghiệm theo thời gian thực, đó sẽ là giấc mơ của các bác sĩ lâm sàng, đặc biệt là bác sĩ cấp cứu.
Phóng viên: Yếu tố nào theo ông sẽ giúp tạo niềm tin vào hệ thống dữ liệu y tế?
BS Nguyễn Đặng Khiêm: Đó là "quy chuẩn". Tôi mong muốn tiêu chuẩn ISO được áp dụng và bắt buộc đối với các phòng xét nghiệm. Điều này sẽ giúp chúng tôi tự tin hơn khi sử dụng kết quả xét nghiệm từ các tuyến dưới. Bên cạnh đó, vấn đề bảo mật thông tin bệnh nhân cũng vô cùng quan trọng.
Phóng viên: Quan điểm của ông về quá trình chuyển đổi số y tế?
BS Nguyễn Đặng Khiêm: Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ, mà còn là sự thay đổi toàn diện về tư duy và văn hóa làm việc. Với sự nỗ lực của ngành y, sự hỗ trợ của Chính phủ, và sự hợp tác của mỗi người dân, tôi tin chúng ta sẽ xây dựng được một hệ thống y tế số hiệu quả và tin cậy.
Phóng viên: Xin cảm ơn BS Nguyễn Đặng Khiêm.
Mời nghe chi tiết tại đây: