Với người Việt Nam, gia vị (bao gồm các loại rau như tía tô, rau thơm, rau mùi, củ như gừng tỏi hành hay quả là: thảo quả, ớt, chanh, quất…) không thể thiếu trong chế biến món ăn, bởi nó không chỉ dùng để trang trí cho món ăn thêm phần hấp dẫn mà còn thể hiện sự tinh túy, mùi vị đặc trưng của món ăn mà nếu chỉ kết hợp sai cách thôi thì món ăn đó sẽ không còn hấp dẫn và ý nghĩa. Việc phối trộn gia vị thường không có công thức chung mà dựa vào kinh nghiệm, trình độ của người nội trợ.

Chị Nguyễn Thu Phương ở quận Thanh Xuân cho biết gia vị như một phần không thể thiếu trong mỗi món ăn, không chỉ giúp cho món ăn trở nên ngon hơn mà còn tốt cho sức khỏe. Chẳng thế mà, ngay từ nhỏ, các con chị cũng đều thích vị cay nồng của gừng, tỏi, ớt hay vị thơm của rau thì là mỗi khi ăn cá…

“Nhà tôi có 3 con, ngay từ nhỏ tôi đã tập cho các con ăn gia vị, ăn cháo lươn phải có rau dăm, cho phù hợp với món ăn vì ngoài thơm ngon ra thì rau gia vị còn là vị thuốc hết, rau cải nhất là cải canh phải có gừng, nhà tôi không những ăn gừng mà còn có lá gừng, nó thơm ngon, cảm giác yên tâm bởi nó ấm bụng. Đặc biệt là tỏi, nhà tôi thích ăn tỏi, rau muống xào hay rau muống luộc thì đều có tỏi, với rau muống luộc thì pha tỏi vào nước chấm. Nhiều khi trong nhà thiếu gia vị nào đấy thì các con lại đi sang nhà hàng xóm xin, nó thành thói quen rồi” – Chị Phương chia sẻ.

Vũ Đức Anh – một trong những người thích nấu nướng cũng cho biết, các món ăn trong gia đình anh không thể thiếu loại rau gia vị nào, việc sử dụng nó là nguyên liệu chế biến món ăn còn là cái gu của người nấu nướng cũng như thể hiện văn hóa ẩm thực của vùng miền. Theo anh Đức Anh, mặc dù là gia vị thêm vào cho món ăn thêm hấp dẫn nhưng chúng cũng có giá trị dinh dưỡng không kém đối với sức khỏe.

“Gia vị cũng là bài thuốc, rau răm, gừng ăn kèm có tính nóng, dưa chua là gia vị cho món ăn đồ ngấy, làm dung hòa chất béo, cân bằng hương vị quá đà của thực phẩm, có loại gia vị không những làm món ăn ngon hơn còn có tác dụng loại bỏ bớt các tác dụng không có lợi của các thực phẩm”.

“Miền nào thức ấy”, chính sự khác biệt về khẩu vị giữa các vùng miền đã giúp hình thành nên một bản đồ gia vị đầy thú vị. Đơn cử như nhắc đến bún ốc miền Bắc thì không thể thiếu giấm bỗng. Nói đến bánh cuốn Thanh Trì thì không thể không có tinh dầu cà cuống hay món gà luộc thì luôn có lá chanh đi kèm.

Theo BS Nguyễn Trọng Nơi – Ủy viên BCH Hội Đông y quận Ba Đình, Hà Nội, gia vị không đơn thuần là nguyên liệu thêm vào món ăn mà còn mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe.

“Trong Đông y các loại gia vị đều là các loại thuốc quý. Khi chế biến món ăn, nếu món ăn bị lạnh thì gia vị sẽ làm bớt cái lạnh đi, giúp ấm bụng thì tiêu hóa sẽ tốt hơn như giềng thì nó kiện tì làm cho ấm tì vị, tiêu hóa sẽ tốt hơn, lá mơ thì nhuận gan mật, chống viêm đường ruột, viêm đại tràng hoặc viêm dạ dày rất tốt. Trong món ăn thì làm cho món ăn đc tiêu hóa tốt hơn. Ăn gỏi thì có lá vọng cách, lá mơ, lá sung để cho tiêu hóa thức ăn được tốt hơn, nhất là tía tô, khi ăn với hải sản có tác dụng vừa hành khí vừa tiêu thực, giải độc tốt” – BS Nguyễn Trọng Nơi cho biết.

Ngoài ra, với món gà hầm thuốc bắc, ngải cứu, ngải cứu có tác dụng bổ huyết, giảm đau tốt cho phụ nữ sau sinh và người bị ốm lâu ngày. Nếu cho thêm chút nghệ vàng còn có tác dụng giải hoạt huyết, xơ gan, giải uất.

Mỗi loại thực phẩm sẽ có loại gia vị phù hợp. Chẳng hạn như nếu nấu canh ốc mà thiếu lá lốt, hành, tía tô thì sẽ không còn là món ăn.

Tuy nhiên, BS Nguyễn Trọng Nơi lưu ý, tùy vào lượng thức ăn mà cho thêm lượng gia vị nhiều hay ít. “Gia vị kết hợp với thực phẩm phát huy được hiệu quả thì ta cần chú ý, đầu tiên là nó phải phù hợp với từng loại thực phẩm khác nhau, ví dụ như thịt ba chỉ thì nên ăn với củ kiệu, hành để có tác dụng tiêu hóa bớt chất béo trong thức ăn. Chú ý đến liều lượng bởi vì nếu dùng vừa phải thì rất tốt, ví dụ như hạt tiêu, lượng vừa phải thì kích thích dịch tụy để tiêu hóa thức ăn rất tốt nhưng nếu ta dùng quá liều thì sẽ gây xung huyết, niêm mạc dạ dày, kích thích niêm mạc dạ dày gây xung huyết có thể gây viêm cục bộ” – BS Nguyễn Trọng Nơi khuyến cáo.

Trong xã hội hiện đại, công việc bận rộn khiến nhiều người khi đi chợ mua rau gia vị cảm thấy lích kích nhưng nếu thiếu nó, món ăn mất đi sự quen thuộc, hấp dẫn.