Sỏi mật bắt nguồn từ thói quen ăn uống không hợp lý
Sau mỗi bữa ăn, nhất là những khi nhiều dầu mỡ, chị Thanh Hoa – 30 tuổi – ở Hưng Yên thường bị đau dưới sườn phải, kèm với buồn nôn và nôn. Ban đầu, chị tưởng bị rối loạn tiêu hóa nên không để ý. Tuy nhiên, tình trạng này cứ kéo dài và mới đây chị bị đau quặn bụng, không chịu nổi phải đến bệnh viện. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định chị Hoa có 4 viên sỏi trong gan và trong đường mật. Đây có thể là hậu quả của thói quen ăn uống thất thường, ăn nhiều thực phẩm chiên rán, chứa nhiều dầu mỡ của chị Hoa. Do kích thước các viên sỏi khá to, chị được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Sau mổ, bác sĩ khuyên chị Hoa nên điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như giảm cân để hạn chế tình trạng sỏi tái phát.
Theo TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, túi mật là một túi nhỏ nằm dưới gan phải có chức năng chứa dịch mật được sản xuất từ gan. Mật đóng vai trò rất quan trọng giúp tiêu hóa chất béo nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, nếu chúng ta ăn quá nhiều chất béo thì chất này có nguy cơ tích tụ lại trọng dịch mật, tạo thành khối rắn chắc mà thành phần chủ yếu là cholesterol.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn quá nhiều chất béo sẽ kích thích cơ thể tiết ra nhiều dịch mật hơn để tiêu hóa. Lúc này túi mật sẽ co bóp mạnh gây ra một số triệu chứng như đau bụng, khó tiêu. "Vì vậy đối với người trung niên và cao tuổi, nếu chúng ta sử dụng lượng chất béo quá nhiều, đặc biệt là chất béo bão hòa thì đó là nguyên nhân để góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng đau bụng đầy hơi và tăng nguy cơ hình thành sỏi mật. Vì vậy, người trung niên, người cao tuổi nên sử dụng nguồn thực phẩm có hàm lượng chất béo một cách vừa phải để tránh các nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa, tăng mỡ máu và bệnh sỏi mật." TS- BS Trường Hồng Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, thói quen ăn quá nhiều thịt đỏ và nội tạng động vật (chứa lượng cholesterol cao) cũng gây ra tình trạng khó tiêu, đau bụng hoặc ảnh hưởng đến chức năng gan mật, kích thích các túi mật co bóp một cách quá mạnh và có thể làm tăng kích thước của sỏi mật.
Chế độ ăn quá nhiều tinh bột dạng tinh chế hay thực phẩm chứa nhiều đường cũng là một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến sỏi mật. Bởi vì các tinh bột tinh chế có thể làm tăng đường huyết và gián tiếp làm tăng kích thước của sỏi mật. Vì vậy, người bệnh sỏi mật nên hạn chế ăn bánh ngọt, bánh nướng, kem, socola, bánh quy, bánh pudding vì những thực phẩm này vừa bao gồm tinh bột tinh chế và các chất béo bão hòa, tăng nguy cơ mắc sỏi mật.
Thói quen uống nhiều rượu bia cũng có thể là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến sỏi mật. Theo phân tích của TS-BS Trương Hồng Sơn, rượu bia không trực tiếp gây ra sỏi mật, tuy nhiên, việc nạp quá nhiều rượu vào cơ thể thì sẽ gây ra tình trạng xơ gan. Người ta thấy rằng, khoảng 1/3 số người bị xơ gan và sỏi mật thường xuất phát từ các sẹo ở gan.
Nguyên tắc ăn uống phòng tránh bệnh sỏi mật
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh sỏi mật, TS-BS Trương Hồng Sơn gợi ý chúng ta nên thực hiện chế độ ăn uống theo một số nguyên tắc sau:
Những điều không nên làm:
- Bỏ bữa, ăn uống thất thường.
- Thực hiện chế độ ăn kiêng quá khắt khe, bởi khi năng lượng cung cấp cho cơ thể quá thấp, dưới 1.000 Kcal/ngày thì có thể tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi mật
- Ăn quá nhiều chất béo và thực phẩm chứa nhiều đường.
- Ăn quá nhiều đạm động vật, nhất là các loại thịt đỏ.
Những điều nên thực hiện:
- Bổ sung các nguồn chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày từ trái cây rau quả, các loại đậu hoặc ngũ cốc nguyên hạt.
- Tích cực bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt như rau chân vịt, cải xoăn rong biển. Bởi thiếu sắt cũng có thể gia tăng nguy cơ gây sỏi mật.
- Có thể uống cà phê với liều lượng vừa phải mỗi ngày để giúp lưu thông dòng mật và giảm tụ mật trong túi mật.
- Ưu tiên lựa chọn và sử dụng các thực phẩm giàu Lecithin trong bữa ăn hàng ngày như đậu nành, yến mạch, bắp cải, trứng, chocolate. Lưu ý ăn trứng và chocolate với lượng vừa phải.
- Cân đối sử dụng đạm động vật và đạm thực vật trong bữa ăn hàng ngày.
- Ưu tiên sử dụng chất béo thực vật như dầu ô liu, dầu gạo.