Theo Tổ chức Y tế thế giới, ở Việt Nam, bệnh đột quỵ và nhồi máu cơ tim có tỷ lệ mắc rất cao, vô cùng nghiêm trọng. Hai bệnh lý này là nguyên nhân hàng đầu khiến gần 300.000 người tử vong và hàng triệu người tàn phế mỗi năm.

GS. TS. NGND. BS. Đỗ Doãn Lợi - Phó chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam với hơn 40 năm kinh nghiệm khám chữa bệnh tim mạch chia sẻ: “Chúng ta đang chứng kiến gánh nặng bệnh tim mạch trên toàn cầu ngày càng gia tăng, đòi hỏi sự quan tâm hiệu quả và hành động kịp thời từ cộng đồng y tế cũng như toàn xã hội”.

Cơ hội sống sót và phục hồi sau một cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim phụ thuộc rất nhiều vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và thời gian điều trị sớm.

Một số người bị đột quỵ dẫn đến tổn thương tế bào não, khiến việc đi lại hoặc nói chuyện gặp khó khăn trong một thời gian dài. Một số trường hợp cấp cứu chậm trễ, mất một phần hoặc mất hoàn toàn chức năng não, dẫn đến tàn tật, đời sống thực vật hoặc tử vong. Những người được điều trị ngay sau khi có các triệu chứng bắt đầu, có thể được hồi phục hoàn toàn.

Sau cơn nhồi máu cơ tim, người bệnh có thể hồi phục và quay lại cuộc sống bình thường nếu uống thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tham gia phục hồi chức năng tim và duy trì một lối sống lành mạnh.

Tuổi thọ của người bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim phụ thuộc rất nhiều vào việc tuân thủ một lối sống lành mạnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ.

Tuy nhiên, đại đa số các yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim có thể phòng ngừa. Theo các chuyên gia, dự phòng bệnh đột quỵ và bệnh nhồi máu cơ tim là biện pháp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa tử vong và tàn phế.

Để giúp dự phòng bệnh đột quỵ và bệnh nhồi máu cơ tim cho mọi lứa tuổi, vào sáng 27/10/2024, tại Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam - khu đô thị Ecopark- huyện Văn Giang- tỉnh Hưng Yên sẽ diễn ra “Hội thảo giới thiệu Chương trình dự phòng đột quỵ và nhồi máu cơ tim”.

Đây là lần đầu tiên một sự kiện có ý nghĩa xây dựng và tổ chức tại Việt Nam với mục đích giúp người dân có thể phòng ngừa đột quỵ và nhồi máu cơ tim một cách hiệu quả và chặt chẽ, dựa trên sự phối hợp của nhiều chuyên khoa - tim mạch, dinh dưỡng, vận động, lão khoa, thận, nội tiết …

Ngoài ra, chương trình dự phòng còn áp dụng phương án cá thể hóa để phù hợp với từng cá nhân- điều này không chỉ giúp người dân giảm các chi phí không cần thiết mà còn đem lại hiệu quả dự phòng bệnh cao nhất.

Chương trình có sự sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản, áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ, khoa học của Nhật, kết hợp Âu – Mỹ phù hợp với thực tế Việt Nam. Trong hội thảo, TS. BS. Azumi Ishizaki - Bác sĩ chuyên khoa Nội, Hiệp hội Nội khoa Nhật Bản sẽ cung cấp các thông tin hữu ích trong dự phòng bệnh lý đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, còn có sự tham gia của GS.TS.BS. Đỗ Doãn Lợi- Phó chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng cố vấn chuyên môn bệnh viện Kusumi-chuyên gia hàng đầu về tim mạch tại nước ta; PGS. TS. BS. Đỗ Thị Khánh Hỷ- nguyên PGĐ Bệnh viện Lão khoa Trung ương; TTND-BSCKII Đinh Thị Kim Liên- chuyên khoa Dinh dưỡng và BSCKI Phùng Xuân Dũng- chuyên khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng.

Tại Hội thảo, người dân các lứa tuổi sẽ được chia sẻ thêm kiến thức, tư vấn cùng chuyên gia hướng tới mục tiêu sống khoẻ về thể chất và tinh thần, dự phòng đột quỵ và nhồi máu cơ tim, hạn chế tử vong cũng như tình trạng tàn phế nặng nề.