Cô đỡ thôn bản - những cánh tay nối dài

Ngày 13/5 vừa qua một em bé đã chào đời bình an ở BV huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Bé là con của sản phụ Hạng Thị Chu người dân tộc Mông ở bản Bãi Lươn xã Mường Do huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Không có gì vui và hạnh phúc bằng...” - anh Sồng A Lâu, chồng chị Chu nói với chúng tôi. Niềm vui ấy không đơn giản chỉ là có thêm 1 đứa con mà còn bởi cả gia đình – đặc biệt là vợ và con anh vừa trải qua những giây phút nguy hiểm cận kề.

Giống như 4 lần đẻ trước, lần này chị Chu cũng sinh tại nhà. Nhưng cuộc đẻ lần thứ 5 không dễ dàng như những lần trước. Dồn dập những cơn đau nhưng em bé vẫn không ra. Trong lúc lo lắng đến tột cùng gia đình chị đã “cầu cứu” cô đỡ thôn bản Bàn Thị Hoà.

Khi đến nhà sản phụ, bằng kiến thức và kinh nghiệm sau 5 năm làm cô đỡ, Hòa nhận thấy sản phụ có dấu hiệu bất thường: “khi khám em thấy sản phụ có cái gì đó mắc mắc ở vùng âm đạo. Em bảo gia đình phải đưa đến trạm y tế ngay”. Nhưng lúc đó cả chị Chu và anh Lâu vẫn chần chừ vì ngại đường xá xa xôi, vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó.

Sau một hồi thuyết phục, cuối cùng gia đình đã dùng xe máy chở sản phụ ra trạm y tế. Quãng đường từ nhà đến trạm khoảng 13 cây số, nhưng một nửa là đường đất, sỏi rất khó đi.

Lúc đấy, bà mẹ yếu rất yếu, em hướng dẫn chồng bế sản phụ ngồi ngang sau yên xe, một người nhà cầm lái, em chạy xe đằng sau hỗ trợ, đi đến đoạn đường bê tông thì mới thuê được xe tắc xi đưa sản phụ lên trạm y tế” – cô đỡ Bàn Thị Hòa kể lại.

Tại trạm y tế, sau khi khám, nữ hộ sinh Mù Thị Xứng nghi ngờ sản phụ bị sa dây rốn – 1 cấp cứu sản khoa mà nếu không được xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ trong bụng mẹ nên đã liên hệ ngay với bệnh viện huyện Phù Yên để tiếp tục chuyển bệnh nhân lên. Suốt quãng đường hơn 30km từ trạm y tế về bệnh viện huyện, nữ hộ sinh Mù Thị Xứng và cô đỡ Bàn Thị Hòa vừa liên tục động viên sản phụ và gia đình, vừa kiểm tra mạch, huyết áp và nhịp tim của sản phụ và em bé trong bụng. Gần đến bệnh viện sản phụ càng ngày càng đuối sức khiến tất cả cùng căng thẳng, lo lắng. “Lúc ở trạm nhịp tim của em bé là 130, đi được 1 đoạn kiểm tra xuống còn 120, lúc gặp xe cấp cứu của bệnh viện huyện thì còn có 82, bà mẹ không cũng mệt còn sức...”.

Vì đã được nhận thông báo trước nên khi đến bệnh viện huyện, chị Chu được đưa ngay vào phòng mổ cấp cứu và sau đó đã sinh được 1 bé trai nặng hơn 3kg. Chứng kiến những phút giây “thập tử nhất sinh” của vợ, lúc này anh Sùng A Lâu mới ý thức rõ hơn về sự may mắn của 2 vợ chồng vì đã kịp thời đưa vợ đến cơ sở y tế, không để sinh ở nhà như những lần trước.

Xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La nơi cô đỡ Bàn Thị Hòa sinh sống có 8 bản thì 4 bản là vùng khó khăn, trong đó khó khăn nhất là 2 bản Suối Lồng và Bãi Lươn – nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông và Dao. Hòa cho biết, từ khi làm cô đỡ thôn bản trong những lần đi khám thai, đỡ đẻ, chăm sóc sản phụ bao giờ em cũng kết hợp tuyên truyền, vận động để bà con bỏ tập quán đẻ tại nhà nhưng hiện nay một số đồng bào dân tộc Mông vẫn duy trì tập quán này. Trong hơn 5 năm làm nhiệm vụ, cô đỡ Bàn Thị Hòa đã đỡ thành công 20 trường hợp sản phụ đẻ tại nhà.

Mặc dù hiện nay chính sách hỗ trợ hàng tháng cho cô đỡ thôn bản không còn được như trước, nhưng mỗi tháng Hòa vẫn dành 1 ngày đi vào các bản thăm khám, xét nghiệm nước tiểu cho phụ nữ mang thai và bất kể lúc nào khi sản phụ hay bà mẹ sau sinh cần hỗ trợ em đều có mặt. Với em, công việc này có ích cho nhiều người – đặc biệt là đồng bào các thôn bản vẫn còn duy trì tập tục không đi khám thai, không đến sinh ở cơ sở y tế như ở địa bàn mà em phụ trách. Cô đỡ thôn bản như Bàn Thị Hòa đã trở thành “cánh tay nối dài” không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại những vùng khó khăn.

Nhiều khó khăn để duy trì hoạt động

Mô hình cô đỡ thôn bản đã ra đời được 30 năm và tính đến nay đã có hơn 3.000 cô đỡ thôn bản được đào tạo. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 50% cô đỡ đang duy trì hoạt động. Trong khi, theo báo cáo của các địa phương vẫn còn 5.000 thôn bản gặp khó khăn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đó là những thôn bản ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, những nơi mà phong tục tập quán không đi khám thai, không đến sinh ở cơ sở y tế vẫn còn phổ biến.

Tôi đã gặp những phụ nữ mới 41 tuổi nhưng đã sinh 10 đứa con, tất cả đều sinh tại nhà. Chúng ta thử tưởng tượng rằng, sinh tại nhà ở những nơi xa xôi hẻo lánh như thế, không có trang thiết bị y tế, không có nhân viên y tế hỗ trợ thì nguy cơ của sự an toàn cho sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh là rất lớn” – ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế cho biết.

Có nhiều lý do khiến cô đỡ không còn tiếp tục tham gia hoạt động, nhưng nguyên nhân chính là do các địa phương không thực hiện chính sách đãi ngộ đối với họ. “Từ năm 2019, khi Nghị định 34 ra đời, quy định chế độ phụ cấp đối với các nhân viên không chuyên trách ở thôn bản thì y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản chỉ được hưởng bồi dưỡng theo nghĩa vụ hoàn thành, không được hưởng phụ cấp hàng tháng. Một số địa phương vận dụng linh hoạt, có những chính sách đặc thù để duy trì phụ cấp cho cô đỡ thôn bản ở một mức nào đó, nhưng số này không nhiều” – ông Đinh Anh Tuấn nêu thực tế.

Trong quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Bộ Y tế đã đưa chính sách hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản vào nguồn lực của chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Để thực thi quyết định này tháng 3 năm 2022 Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 15 hướng dẫn sử dụng kinh phí của chương trình, trong đó quy định cô đỡ thôn bản đang hoạt động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nếu chưa được hưởng phụ cấp của nhân viên y tế thôn bản sẽ được hỗ trợ phụ cấp hàng tháng bằng 0,5 mức lương cơ sở. Tuy nhiên đến nay nhiều tỉnh chưa thực hiện theo quy định tại quyết định này.

“Chúng tôi đang yêu cầu các địa phương báo cáo, có tỉnh thực hiện tốt, nhưng có những tỉnh đến nay chưa thực hiện và điều này là trách nhiệm của ngành y tế và chính quyền các cấp ở địa phương” - ông Đinh Anh Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, nếu như các địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách hiện hành đối với cô đỡ thôn bản như theo quy định thì nhiều cô đỡ mặc dù đã ngưng hoạt động sẽ quay trở lại và mạng lưới cô đỡ thôn bản – đặc biệt tại các vùng khó khăn sẽ hoạt động trở lại, “như thế một mặt sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ sơ sinh tại vùng sâu, vùng xa, mặt khác sẽ giúp trẻ em ở những vùng đó được chăm sóc tốt hơn trong những ngày đầu đời”- ông Đinh Anh Tuấn khẳng định.