Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, những tháng đầu năm 2025 liên tiếp các vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả với quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng được cơ quan công an phát hiện, khởi tố, điển hình như: vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, mì chính, hạt nêm, dầu ăn giả với quy mô lớn, trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận.
Nguyên nhân chính của tình trạng trạng này được đại diện lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhìn nhận là do một số quy định của pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng như việc tự công bố, tự đăng ký bản công bố sản phẩm được thực hiện một cách đơn giản, trao quyền cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm. Trong khi các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả hoạt động có tổ chức chặt chẽ, trên địa bàn rộng, liên tỉnh, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi đã lợi dụng chính sách thông thoáng trong đăng ký doanh nghiệp, đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe để trốn tránh trách nhiệm khi có vi phạm...
Bên cạnh đó là những khó khăn trong kiểm soát hoạt động thương mại điện tử: Việc mua bán thực phẩm qua mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là hàng "xách tay" ngày càng phát triển, khiến việc kiểm soát, giám sát chất lượng trở nên khó khăn. Lực lượng hậu kiểm và kinh phí dành cho công tác này còn mỏng và thiếu.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, liên quan đến vấn đề này Thủ tướng đã ban hành 3 công điện tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm liên quan đến sản xuất, tiêu thụ sữa, thực phẩm chức năng, thuốc giả.
Theo Thứ trưởng, về thể chế trong lĩnh vực quản lý thuốc, chúng ta đã có Luật Dược (2006), Quốc hội vừa thông qua Luật Dược sửa đổi (2024 có hiệu lực từ ngày 1/7). Lĩnh vực an toàn thực phẩm, chúng ta có Luật An toàn thực phẩm, nghị định hướng dẫn luật… Tuy nhiên vì sao vẫn xảy ra các vụ việc như vừa rồi? - Thứ trưởng đặt câu hỏi.
"Hôm nay chúng ta họp bàn xem về thể chế, còn vấn đề gì bất cập, chúng ta phải hoàn thiện, bổ sung. Vấn đề thứ hai, về tổ chức thực hiện luật, nghị định, thông tư, việc tổ chức thực hiện là trách nhiệm của địa phương, của các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực thuốc, lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố”- Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về an toàn thực phâm: Xây dựng Luật An toàn thưc phẩm sửa đổi; Sửa đối Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Nghiên cứu đề xuất tăng mức chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm và dược phẩm. Cùng với đó sẽ thiết lập hệ thống dữ liệu quốc gia về an toàn thực phẩm liên thông từ trung ương đến địa phương để quản lý và giám sát hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.