TP HCM hiện là địa phương có số người nhiễm cao nhất cả nước và mức độ lây lan cũng nhanh nhất. Nếu so với Bắc Giang sau khoảng 60 ngày mới ghi nhận số ca nhiễm xấp xỉ gần 6 nghìn người thì Tp HCM chỉ cần khoảng 30 ngày đã có số ca mắc tương tự. Đáng chú ý hơn khi Sở Y tế TP HCM nhận định “tác nhân gây bệnh đã có ở khắp thành phố”. Điều này cho thấy mức độ lây lan dịch bệnh đang hết sức nặng nề và chưa có dấu hiệu chững lại. Dường như chính quyền và lực lượng chức năng của thành phố vẫn chưa thể làm chủ được tình hình và ít nhất cho tới thời điểm này, tốc độ lây lan của virus đã nhanh hơn tất cả những biện pháp đã và đang triển khai.

Có điều gì chưa ổn trong công tác phòng chống dịch tại TP HCM? Bác sỹ Trương Hữu Khanh – nguyên Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh – Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), chuyên gia về truyền nhiễm cho rằng, công tác phòng chống dịch của TP HCM thời gian qua chưa hiệu quả là vì ngay từ đầu đã đánh giá sai về nguy cơ dịch bệnh. “Ngay từ khi phát hiện chuỗi lây nhiễm tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tôi đã cảnh báo dịch tại TP HCM sẽ nặng hơn Bắc Giang. Nhưng không ai tin, bảo tôi nói quá”, bác sỹ Khanh nói.

Dịch lần này có sự xuất hiện của chủng Delta với khả năng siêu lây nhiễm nhưng thành phố vẫn chỉ áp dụng phương pháp của 3 đợt dịch trước, đó là: tầm soát xét nghiệm bằng PCR và chỉ huy động các bệnh viện lớn đề tìm ra ca bệnh. Chính vì vậy, TP HCM đã để lỡ thời cơ, chậm mất một nhịp so với tốc độ lây lan của dịch.

“Nếu cách đây một tháng mà thành phố áp dụng chiến lược xét nghiệm rộng rãi, xét nghiệm nhanh, xét nghiệm mẫu gộp song song với xét nghiệm PCR thì câu chuyện đã khác”, chuyên gia truyền nhiễm Trương Hữu Khanh nhấn mạnh. Và ông khẳng định, hậu quả không chỉ riêng đối với TP HCM phải gồng mình chống dịch mà mầm bệnh đã lây lan khắp các tỉnh, thành phía Nam.

Không chỉ chủ quan trong nhận định tình hình dịch mà theo quan điểm của bác sỹ Trương Hữu Khanh, nhiều lúc, nhiều nơi còn tỏ ra lúng túng, không quyết đoán trong việc thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Sự việc ngày 05/7, hàng nghìn tiểu thương chen chúc nhau đi xét nghiệm nhanh Covid-19 tại chợ đầu mối Bình Điền tạo ra một khung cảnh vô cùng hỗn độn, có nguy cơ đe đọa thành quả chống dịch cũng như đi ngược với những tuyên truyền, khuyến cáo mà chính quyền đang cố gắng tạo dựng cho người dân trước đó.

“Khi chúng ta tuyên truyền cho người dân 5K, rồi phạt một số người tụ tập, trong khi người quản lý lại để sự việc như thế xảy ra. Đó là chuyện không thể chấp nhận được”, bác sỹ Khanh bày tỏ.

Trong thời gian vừa qua, TP HCM thực hiện Chỉ thị 10, trong đó có các quy định, yêu cầu rất cụ thể, chi tiết. Nhưng định hướng đúng mà thực hiện chưa nghiêm. Điều này có thể ghi nhận tại các khu vực chợ dân sinh. Dù đã quy định cấm hoàn toàn các chợ tự phát hoạt động nhưng các tiểu thương vẫn không tuân thủ. Khi các chợ đầu mối lớn buộc phải đóng cửa để đảm bảo phòng dịch thì tiểu thương lại tràn ra ven quốc lộ hình thành các chợ tự phát. Trong các phiên họp của thành phố, vấn đề này cũng đã được thừa nhận nhưng lãnh đạo thành phố và cơ quan chức năng ở cơ sở vẫn chưa thực sự quyết liệt.

"Chỉ thị 10 là đúng nhưng nó không phát huy được hiệu quả khi thực hiện chưa nghiêm. Dịch bệnh đang lây trong các gia đình, lây giữa hàng xóm, cơ quan với nhau. Nhìn bên ngoài nghĩ người dân ít ra ngoài, vắng xe tưởng hiệu quả nhưng không phải. Mình phải đi vào hẻm xem cách ly với nhau thế nào thì mới biết Chỉ thị 10 có hiệu quả hay không”, bác sỹ Trương Hữu Khanh phân tích.

Hiện nay, người dân phải ra khỏi nhà để thực hiện xét nghiệm, lấy mẫu, tiêm phòng vaccine, vì vậy, cần phải có phương thức tổ chức, cách làm hợp lý, khoa học hơn. Kinh nghiệm tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại nhà mà Bắc Giang đã từng thực hiện hoàn toàn có thể áp dụng trong trường hợp này.

Vừa qua, TP HCM đã phải thay đổi chiến lược chống dịch. Đó là 100% ca F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin. Các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ, các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Bác sỹ Trương Hữu Khanh cho hay, giải pháp này chỉ được coi là căn bản khi nói được và làm được. Nếu đề ra mà không thực hiện được thì không thay đổi được gì.

“Vấn đề hiện nay là chúng ta xác định F1, F2 không đúng với khoa học. F0 cần phải điều tra trong 1 giờ là đúng, nhưng nếu chúng ta xác định quá nhiều F1 thì không có sức nào mà điều tra được trong vòng 12 giờ, nhân lực không đủ, phi thực tiễn”, chuyên gia truyền nhiễm nhận định.

Trong đề xuất của mình, bác sỹ Trương Hữu Khanh đưa ra ý kiến là cần phải xác định lại vai trò của xét nghiệm. Làm thế nào để nhiều người tiếp cận được với xét nghiệm? Không cần phải chờ đôi ngũ y tế mà người dân có thể chủ động đi đến nơi gần nhất hoặc làm ngay tại nhà. Và đối tượng xét nghiệm không chỉ là những người cần đi làm ăn, kinh doanh mà tất cả những ai có nhu cầu.

Ông Khanh cũng một lần nữa nhấn mạnh đến việc xác định phân loại F1, F2 để tránh gây quá tải cho các khu cách ly. Trong truy vết phải xác định rất rõ F0 gặp F1 trong tình huống nào, nếu chỉ gặp 1 lần duy nhất mà F1 âm tính rồi thì không cần phải bàn đến F2 nữa. Chúng ta chỉ quan tâm khi F1, F2 sống chung cùng một không gian dịch tễ.

TP HCM đóng vai trò là kinh tế đầu tàu của cả nước đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Cả nước đang hướng về TP HCM với mong mỏi duy nhất là thành phố sớm kiểm soát được dịch bệnh.