Vùng hàm mặt là nơi chứa đựng nhiều cơ quan thiết yếu của cơ thể, giúp đảm bảo chức năng ăn nhai và giao tiếp. Đây cũng là phần quan trọng quyết định giao diện bên ngoài của con người. Chính vì vậy, nếu không may mắc các bệnh lý vùng hàm mặt như ung thư vùng hàm mặt, tai nạn gây tổn thương nặng vùng hàm mặt hay thậm chí là các khối u lớn lành tính sẽ gây biến dạng khuôn mặt. Trong trường hợp này, các bác sỹ không thể phẫu thuật loại bỏ khối u và khâu nối như thông thường, bởi vùng khuyết hổng quá lớn.
TS.BS Nguyễn Hồng Nhung – Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện E cho biết, thông thường các khuyết hổng nhỏ do bị ngã hay tai nạn hoặc cắt những khối u nhỏ sẽ được khâu đóng hoặc đẩy những vùng xung quang vào để che lấp vết hổng đó. Tuy nhiên với những khối u lớn sau khi cắt bỏ tạo ra một lỗ hổng lớn có thể chiếm ½ vùng hàm dưới hoặc di chứng của tai nạn làm mất đi một đoạn xương lớn của vùng hàm mặt thì không có một hình thức khâu đóng hay dồn đẩy để che lấp được khuyết hổng đó.
Lúc này, giải pháp duy nhất là sử dụng các tổ chức da và xương ở vị trí khác để ghép nối, che lấp vùng khuyết hổng ở hàm mặt cho người bệnh. Để nuôi sống tổ chức da hoặc xương được ghép, các bác sỹ sẽ phải thực hiện kỹ thuật ghép vi phẫu, tức là ghép nối từng mạch máu và dây thần kinh dưới kính hiển vi. Theo BS Hồng Nhung đây là kỹ thuật cao nhất trong phẫu thuật tạo hình, giúp phục hồi và đảm bảo chức năng cho các vùng khuyết hổng ở hàm mặt.
“Ví dụ với một bệnh nhân bị ung thư bờ lưỡi, đây là bệnh khá thường gặp thì bệnh nhân sẽ phải cắt bỏ 2/3 lưỡi và toàn bộ vùng sàn miệng như vậy sẽ tạo một khuyết hổng quá lớn. Thì mình sẽ lấy vùng da có cả mạch máu ở cánh tay với diện tích đủ lớn để đưa vào che phủ những vùng bị cắt bỏ đi ở sàn miệng và tạo hình lại lưỡi cho bệnh nhân. Gọi là vi phẫu vì cần nối mạch máu rất nhỏ dưới kính hiển vi…” - BS Hồng Nhung cho biết.
Sau một thời gian, tổ chức ghép sẽ phục hồi và đảm bảo chức năng ăn nhai cũng như giao tiếp cho bệnh nhân, giúp người bệnh trở lại cuộc sống bình thường.
Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Khoa Na, 40 tuổi ở Thừa Thiên Huế bị u men xương hàm là minh chứng cụ thể. Cách đây 7 năm anh Na phát hiện khối u bất thường ở dưới xương hàm. Đi khám được chuẩn đoán u men xương hàm, khối u ăn mòn gần hết phần xương hàm bên trái khiến anh không thể ăn nhai bình thường.
“Bệnh nó như tổ mối cứ gặm nhấm, bào mòn dần xương hàm, mặt biến dạng hết, gần 1 năm trời chỉ ăn đồ xay nhuyễn chứ không nhai được… Sau khi mổ vi phẫu thì gần như được hồi sinh. Bác sĩ tạo hình xương hàm bằng vạt xương mác, giờ thì ăn uống bình thường rồi, rất hạnh phúc…” - anh Na chia sẻ.
Theo BS Hồng Nhung, hiện Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện E đang phối hợp với Tổ chức Nụ cười Việt Nam và trường ĐH Y Dược, Đại học QGHN tổ chức chương trình phẫu thuật vi phẫu nhân đạo cho tất cả các trường hợp mắc bệnh lý vùng hàm mặt. Đây là cơ hội để những bệnh nhân nghèo, vùng sâu vùng xa có cơ hội được điều trị.
“Tháng 11 Bệnh viện E sẽ tổ chức chương trình phẫu thuật vi phẫu nhân đạo nhằm giúp đỡ cho những bệnh nhân mắc phải các bệnh lý phức tạp vùng hàm mặt, như các bệnh nhân có khối u lớn vùng hàm mặt, bệnh nhân ung thư miệng hàm mặt, bênh nhân bị khuyết hổng lớn vùng hàm mặt do chấn thương… Trong khoảng thời gian diễn ra chương trình, tất cả các bệnh nhân nói trên đều được khám, hội chẩn và lên kế hoạch điều trị thích hợp” - BS Nhung thông tin.
Thời gian đăng ký tham gia chương trình bắt đầu từ nay đến hết ngày 22/11/2024, các bệnh nhân mắc các bệnh lý vùng hàm mặt có thể gửi hồ sơ về Bệnh viện E. Mọi chi phí y tế cho các ca phẫu thuật sẽ được thực hiện miễn phí cho người bệnh. Ngoài ra, người bệnh sẽ được hỗ trợ một phần chi phí đi lại, sinh hoạt trong thời gian lưu viện.