150 triệu liều là số lượng vaccine phòng Covid-19 của nước ta cần có để đạt được mục tiêu tiêm cho 75 triệu người (chiếm khoảng 70% dân số). Tuy nhiên, tính cho đến nay, nguồn cung cấp vaccine cho Việt Nam rất hạn hẹp, tốc độ tiêm chủng một số nơi còn chậm, số lượng người được tiêm còn thấp.

Trước thực tế này, đã có một ý kiến đề xuất triển khai tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Vấn đề này đang gây ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Theo bà Phạm Hoàng Giang - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Tổng hội Y học Việt Nam, tiêm vaccine phòng Covid-19 cần phải được triển khai rộng khắp, để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng nhanh nhất, nhưng cũng cần phải hướng tới công bằng cho người dân.

Ở thời điểm này, nước ta chưa nên triển khai hình thức tiêm chủng dịch vụ đối với vaccine Covid-19 bởi nếu triển khai sẽ có những bất cập xảy ra. Trong điều kiện nguồn vaccine còn khan hiếm nếu triển khai tiêm dịch vụ, chỉ người có khả năng chi trả mới được tiêm còn người nghèo sẽ bị đẩy ra bên lề. Đây cũng là vấn đề được nhiều nước trên thế giới đặt ra khi đề cập đến vấn đề tiêm chủng dịch vụ đối với vaccine Covid-19 và cho đến thời điểm này cũng chưa có quốc gia nào trên thế giới tổ chức tiêm dịch vụ đối với vaccine này.

Trong tình hình dịch bệnh khẩn cấp, quan điểm tiêm chủng vaccine Covid -19 theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, an toàn và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng là hoàn toàn đúng đắn.

Mặt khác, trên thực tế các hãng cung cấp vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna đều yêu cầu phải làm việc ở cấp Chính phủ, cấp nhà nước và cũng chỉ ủy quyền cho một đơn vị duy nhất. Do đó việc triển khai tiêm vaccine dịch vụ là rất khó khả thi.

Việc sử dụng vaccine trong thời gian qua đã nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của nhân dân. Những liều vaccine đầu tiên về Việt Nam được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tiếp theo là các nhóm đối tượng ưu tiên và người dân ở các vùng đang có dịch.

Chủ trương của Chính phủ là huy động mọi nguồn lực để có thể tìm kiếm, tiếp cận, mau chóng đưa lượng lớn nhất vaccine Covid-19 về Việt Nam. Triển khai tiêm dịch vụ cũng hợp lý, tuy nhiên sẽ xem xét ở thời điểm phù hợp. Bà Phạm Hoàng Giang cho biết, việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 theo hình thức dịch vụ chỉ nên triển khai khi nước ta đã đạt miễn dịch cộng đồng và chủ động được nguồn vaccine sản xuất trong nước.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, ở những giai đoạn tiếp theo, khi có thể triển khai tiêm vaccine dịch vụ thì Chính phủ cũng cần hỗ trợ để người nghèo, người yếu thế trong xã hội có cơ hội được tiêm phòng và đặc biệt là để đảm bảo duy trì miễn dịch cộng đồng.

Trong giai đoạn hiện nay, khi tốc độ tiêm vaccine ở nước còn khá chậm, đã có bệnh viện tư nhân đề nghị được tham vào chiến dịch tiêm chủng của Bộ Y tế và được “thu phí dịch vụ tiêm chủng”. Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, trước hết cần xem xét lại toàn bộ quá trình và tổ chức một cách khoa học hơn. Có thể huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia vào chiến dịch tiêm chủng của Bộ Y tế và Chính phủ nên chi trả phí dịch vụ tiêm chủng cho các cơ sở này. Đồng thời, có thể phân bổ lượng vaccine theo đối tượng ưu tiên cho các tập đoàn hoặc các công ty để các đơn vị này tự thuê dịch vụ tiêm chủng.

Theo bà Phạm Hoàng Giang, quý 3 và quý 4 năm nay, lượng vaccine cung cấp cho Việt Nam sẽ dồi dào hơn rất nhiều. Do đó, cần huy động lực lượng nhân viên y tế và tiến hành tập huấn, đào tạo về kỹ năng cũng như các quy tắc đảm bảo an toàn khi tiêm chủng để có thể triển khai tiêm vaccine Covid-19 một cách rộng khắp, sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.