Theo hướng dẫn liên ngành của Sở Y tế và Sở GD&ĐT Hà Nội, khi phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 trong trường học, bên cạnh các biện pháp như tách F0, truy vết, lấy mẫu, trường được phong tỏa tạm thời, lớp nào ở yên lớp đó.

Việc phong tỏa tạm thời được áp dụng đối với khu vực có liên quan người mắc bệnh, tùy thuộc mức độ di chuyển của F0. Diện phong tỏa có thể toàn bộ trường học hoặc từng tầng/khu vực học, làm việc, phòng học có liên quan F0 theo chỉ định về dịch tễ.

Sau đó, trường học phối hợp cơ quan y tế tổ chức truy vết F1 triệt để tại trường học và cộng đồng. Trường lập danh sách toàn bộ F1. Tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 được xem là F1, cách ly ngay tại lớp.

Học sinh, giáo viên ở lớp khác là F1 thì tách ngay ra khu vực riêng để tổ chức cách ly theo quy định. Trường phối hợp lấy mẫu xét nghiệm F1 theo chỉ định của y tế địa phương, tổ chức cách ly F1 theo quy định.

BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, đặt câu hỏi phong tỏa tạm thời để làm gì vì việc xuất hiện F0 trong trường học là điều gần như không thể tránh khỏi khi học sinh trở lại lớp.

Ông cho rằng nguy cơ lây nhiễm tại trường hay ở nhà là như nhau. Do đó, điều quan trọng là hướng dẫn học sinh cách phòng, chống dịch Covid-19.

Khi xuất hiện ca dương tính SARS-CoV-2, nhà trường nên giải quyết cục bộ, không cần phong tỏa diện rộng. Trường hợp mắc Covid-19 chắc chắn được đưa đi điều trị. Với những học sinh cùng lớp, ông Khanh cho rằng chỉ nên coi những em ngồi xung quanh F0, tiếp xúc gần là F1, cho các em về cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm.

Những em còn lại trong lớp đó cũng như học sinh lớp khác tiếp tục đến trường. Việc phong tỏa tạm thời cả lớp, một khu vực hay toàn trường sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khác, trong đó có cả tăng nguy cơ lây nhiễm.

“Phong tỏa tạm thời là bao lâu? Khi nội bất xuất, ngoại bất nhập, ai sẽ nuôi học sinh? Vấn đề ăn uống, vệ sinh sẽ giải quyết như thế nào? Nếu làm vậy, thà đừng cho học sinh đi học. Cứ sự cố xảy ra lại ‘nhốt’ trẻ lại là không nên”, BS Trương Hữu Khanh nói.

Bác sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng quy định, hướng dẫn xử lý F0 trong trường học của Hà Nội chưa hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, khi đón học sinh trở lại, khả năng xảy ra sự cố hoặc có F0 trong trường sẽ rất thường xuyên. Vì cứ 1.000 người, ngẫu nhiên trong vòng 1-2 tuần sẽ có một vài người trở thành F0. Nếu cứ có F0 trong trường học, chúng ta lại phong tỏa tạm thời, cách ly lớp học, xét nghiệm thì rất tốn kém.

Nếu so sánh với các quy định xử lý F0 trong trường học ở các quốc gia khác, khi người lớn đã tiêm ngừa đầy đủ, học sinh cũng được tiêm vaccine, thì những quy định của Hà Nội chặt chẽ quá mức. Thực tế, độ phủ vaccine Covid-19 cho người lớn của Hà Nội đã rất tốt.

Ở Mỹ, khi trường học có F0, chỉ F0 cần được cách ly và đưa đi điều trị. Lớp học đó vẫn hoạt động bình thường nếu trước đó học sinh, giáo viên đều đeo khẩu trang đầy đủ từ đầu. Các em không được xem là F1, trừ khi có bằng chứng đã tiếp xúc, cùng ăn uống với F0. Ngay cả khi học sinh là F1, các em cũng chỉ được theo dõi mà không cần phải về nhà cách ly.

“Trong hướng dẫn xử lý của Hà Nội, F1 được xác định là tất cả học sinh, giáo viên của lớp có F0, như vậy là quá rộng và không đúng. Vì các em đến trường đều có đeo khẩu trang và giãn cách thì nguy cơ lây nhiễm không cao. Ngay cả khi là F1, các em đã tiêm vaccine cũng không cần cách ly”, bác sĩ Dũng nêu quan điểm.