Vui khi bệnh nhân cai được máy thở

Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bình Dương - nơi được trưng dụng trở thành khu Hồi sức tích cực (ICU) cho bệnh nhân mắc Covid-19- đang điều trị hơn 170 bệnh nhân. Tại đây có 2 phòng điều trị, tuy chỉ cách nhau một dãy hành lang, nhưng chỉ cần bước qua “con đường ranh giới” đó là tới phòng số 4 nơi các bác sĩ đang cố gắng chiến đấu với tử thần, giành giật lại sự sống cho từng bệnh nhân.

Tại phòng điều trị số 3, đa phần các bệnh nhân đều trong trạng thái tỉnh táo, một vài người vẫn có thể tự đi lại vệ sinh, những người nặng hơn thì được các y bác sĩ hỗ trợ trong sinh hoạt cá nhân. Một bệnh nhân thều thào: - Cho tôi chai nước! - Bác ngồi dậy đi, tay nắm vào đây, một tay nắm lấy thanh giường bên kia. BS Nguyễn Thị Kim Thành - trưởng ca trực, từ từ dìu bệnh nhân ngồi dậy uống nước. Khuôn mặt bệnh nhân hơi nhăn nhó có lẽ do việc thay đổi tư thế là khá khó khăn với họ khi đang nhiễm Covid-19. Mở chiếc mặt nạ oxy ra uống vội vài hớp nước, bệnh nhân nhanh chóng đưa chiếc mặt nạ oxy lên miệng rồi dựa vào thành giường nghỉ ngơi.

Một bệnh nhân cầm chiếc quạt trên tay, phe phẩy xua tan đi cái oi bức do thời tiết thất thường lúc nắng lúc mưa ở Bình Dương rồi tâm sự: “Chỉ mong sao các bác sĩ sớm chữa cho tôi khỏi bệnh, ở đây có mấy bữa mà chứng kiến cảnh nhiều người phải chuyển qua phòng bên kia trong trạng thái hôn mê tôi sợ lắm, nhiều đêm không ngủ được. Bệnh này nó diễn biến nhanh ghê, các cô chú cũng phải cẩn thận đó”.

Có lẽ, những tiếng máy thở ở phía bên kia hành lang, khiến các bệnh nhân tại phòng điều trị số 3 mong mỏi nhanh chóng khỏi bệnh.

Tít tít tít….Tiếng máy móc đang hoạt động hết công suất bao trùm lên không gian phòng điều trị số 4 – nơi những bệnh nhân nặng đang ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

Phía bên trong, một nhóm các y bác sĩ đang tập trung quanh giường bệnh của bệnh nhi 11 tuổi nhiễm Covid-19 với bệnh lý nền suy thận mạn. Người cầm khăn lau từng bộ phận, kẽ chân, kẽ tay cho bệnh nhân, người xoay bệnh nhân thay đổi tư thế cho đỡ mỏi khi phải nằm lâu một chỗ, một bác sĩ khác đang phối hợp cùng đồng nghiệp tiến hành các bước để cai máy thở cho bệnh nhân. Phía cuối giường, một bác sĩ đang đứng trước chiếc khay với hàng chục lọ thuốc, nhanh tay bơm thuốc vào chiếc ống truyền dịch cho bệnh nhi.

Đa phần những bệnh nhân nằm ở phòng điều trị số 4 đều trong trạng thái hôn mê đang phải thở máy. Ở đây, từ ông tác chuyên môn khám chữa bệnh cho đến việc ăn uống, vệ sinh cá nhân… của từng bệnh nhân đều được các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp đảm nhiệm.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thành cho biết: Cả bệnh nhân nhi và bệnh nhân lớn tuổi đều do nhân viên y tế chăm sóc 100% vệ sinh cá nhân và sinh hoạt hằng ngày. Khối lượng công việc hàng ngày với chúng tôi có đôi chút áp lực khi vừa điều trị vừa làm việc bên lề. Tuy nhiên, bên cạnh chúng tôi còn có một ê-kip các bác sĩ khác tuy không trực tiếp điều trị ở đây nhưng thường xuyên hỗ trợ về chuyên môn, nếu có trường hợp nặng quá chúng tôi phải liên hệ với cả BV Chợ Rẫy. Hàng ngày chúng tôi vẫn thường xuyên động viên nhau, kể cả những anh chị không trực tiếp công tác tại đây cũng gọi điện thăm hỏi”.

Được điều động đến Trung tâm Hồi sức tích cực đã gần một tháng, có lẽ với một bác sĩ trẻ thế hệ 9X như BS Kim Thành, việc cùng các đồng nghiệp tham gia vào cuộc chiến thầm lặng giành giật sự sống cho bệnh nhân vừa là niềm tự hào nhưng cũng là một thử thách khó khăn.

Mặc dù vậy, các y bác sĩ vẫn luôn lạc quan, khi bệnh nhân trở nặng ai cũng thấy lo lắng nhưng phải tự nhủ cố gắng hết sức mình. Khi có bệnh nhân không qua khỏi, đau buồn nhưng phải tiếp tục gắng sức bởi ai cũng hiểu còn nhiều bệnh nhân khác đang cần được chăm sóc tích cực trong giây phút này. “Có một bà cụ lớn tuổi nhập viện trong tình trạng bệnh diễn biến nhanh, tuy nhiên sau thời gian tích cực điều trị, hôm nay bệnh nhân này đã cai máy thở thành công. Đó chính là nguồn động lực lớn để chúng tôi cố gắng, nỗ lực hơn nữa” – bác sĩ Thành chia sẻ.

Không dám nghỉ vì không có ai chăm bệnh nhân

Lọt thỏm giữa những chiếc máy hồi sức và những dây truyền nhằng nhịt, điều dưỡng Nguyễn Thị Lài đang cẩn thận chỉnh từng chai truyền dịch, từng sợi dây. Trên chiếc giường trải ga trắng, bệnh nhân đã không còn tỉnh táo, từng hơi thở khó nhọc, trên người gắn đầy các loại ống và thiết bị cảm biến.

Tiến về phía chiếc giường nơi có một bệnh nhi chỉ mới 4 tháng tuổi, điều dưỡng Lài vừa cầm chiếc bình sữa nhỏ xíu vừa dỗ dành: “Ngoan nào, cố lên con”. Vì lượng đờm trong đường hô hấp còn nhiều, bệnh nhi chỉ bú được một chút lại ho. Điều dưỡng Lài nhanh chóng xoay lưng bệnh nhi rồi vỗ nhẹ để bé dịu cơn khó thở. Cứ cần mẫn như vậy tới khi bệnh nhi bú hết bình sữa, điều dưỡng Lài mới thở phào nhẹ nhõm. Nhìn hình ảnh cậu bé mới chỉ 4 tháng tuổi không người thân bên cạnh, trên người đầy những vết bầm, dây chuyền, ống cắm chằng chịt, chắc hẳn bất kỳ ai cũng không khỏi chạnh lòng. Điều dưỡng Lài tranh thủ vừa dọn dẹp quanh giường bệnh nhân vừa tâm sự với chúng tôi: “Thương lắm, em bé dương tính, khi nhập viện trên người nhiều vết bầm, lại không đáp ứng với thuốc điều trị, tiên lượng nặng, việc uống sữa hàng ngày cũng gặp nhiều khó khăn. Tôi thay mẹ bé làm hết mọi việc từ bỉm, sữa đến thay tã hay vệ sinh cho bé, lúc này tôi không chỉ là bác sĩ mà còn phải tận tâm chăm sóc như con của mình vậy”.

Chị Lài cũng cho biết, trước kia chỉ có mình chị phụ trách bệnh nhi, nhiều khi muốn đi vệ sinh hay tranh thủ nghỉ ngơi cũng cứ bồn chồn lo lắng không biết trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy liệu có chuyện gì xảy ra với bé không? Mãi gần đây có thêm đồng nghiệp tới hỗ trợ, chị mới có thể yên tâm mỗi khi tranh thủ nghỉ ngơi, ăn uống.

Tại Trung tâm ICU, người nhà không được vào cùng, vì vậy ngoài việc chăm sóc cho các bệnh nhi, điều dưỡng Lài còn là người liên lạc thông báo tình hình sức khỏe hàng ngày của các bé với người nhà. Tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, chị bấm điện thoại gọi cho gia đình từng bệnh nhi, động viên người nhà rằng các y bác sĩ vẫn đang nỗ lực hết sức mình để các bé sớm được trở về bên vòng tay cha mẹ.

Tiếng tít tít của những thiết bị y tế liên tục kêu vang trong lúc trò chuyện lấn át cả tiếng của điều dưỡng Lài, thứ âm thanh như hối hả, giục giã và các y bác sĩ, nhân viên y tế trong trung tâm ICU đang phải chạy đua với thời gian, luôn nỗ lực, cố gắng từng giây, từng phút giành giật sự sống cho các bệnh nhân.

(Nguồn: Bộ Y tế)