Lên đường
12h tối, nhận được tin nhà trường kêu gọi sinh viên lên đường vào Nam chống dịch, Trần Thị Tâm – sinh viên năm thứ 2 Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai không mất nhiều thời gian để suy nghĩ mà sẵn sàng lên đường.
Tối nay nhận được tin thì ngày mai lên đường, nữ sinh chỉ vẻn vẹn 39 cân quả quyết “làm ngành y nên em muốn góp sức cho đất nước trong thời gian này”. Tuy vậy, sự gấp gáp về thời gian khiến phụ huynh của Tâm lo lắng. “Em bảo với bố mẹ rằng, nếu lo sợ thì con học Y làm gì? Rất nhiều người xung phong đi. Mặc dù em tuy gầy không thể đi hiến máu được nhưng làm xét nghiệm cho mọi người thì em làm được”. Tâm đã lên đường như vậy.
Phan Thị Hồng Nhung, sinh viên năm thứ 3 khoa Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai cũng là một trong những sinh viên đăng ký tình nguyện vào Nam sớm nhất. Thế nhưng, quyết định lên đường không phải là chuyện dễ dàng.
“Nhận được tin báo em cũng lo lắng và chưa dám nói ngay với bố mẹ. Nếu không đi chống dịch thì cũng lo lắng cho các bạn còn đi rồi thì bố mẹ buồn lo”.
Đêm trắng suy nghĩ, sáng hôm sau Nhung lấy hết can đảm để nói với bố mẹ. Từng có kinh nghiệm chống dịch ở Bắc Giang và Hà Nội nhưng lần này vào TP. HCM, Nhung cũng chưa tưởng tượng được hết sự khốc liệt của cuộc chiến mà em và các đồng nghiệp sẽ phải đối mặt. Nhưng, đó không phải là điều nữ sinh Hà thành trăn trở.
“Em chỉ lo em đi xa bố mẹ thương suốt ngày khóc, mẹ em hay khóc lắm”. Từng tham gia chống dịch ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, thỉnh thoảng vẫn được về nhà nhưng lần này chắc chắn sẽ xa gia đình khá lâu.
Sắp xếp quần đồ đạc, quần áo, thuốc thang, tất cả đều gấp gáp. Hành trang vào Nam của Nhung không chuẩn bị được nhiều chỉ là mấy bộ quần áo, ít gói mì tôm, đồ hộp.
Trước giờ xe lăn bánh chở đoàn sinh viên di chuyển ra sân bay vào Nam, 2 mẹ con Nhung bịn rịn, ôm nhau khóc, rồi Nhung lên xe.
“Mẹ em khóc, bố em thường ngày lạnh lùng, ít nói nhưng hôm đấy bố cũng khóc. Bố mẹ thương nhưng cũng tôn trọng quyết định của em. Bố mẹ em bảo “thôi con cố gắng giữ gìn”.
Vào Sài Gòn ngày thứ 2, Nhung mới gọi điện về cho gia đình. Ngày đầu tiên đi lấy mẫu, 7h tối mới về đến nhà, mệt và mất nước, đồ ăn có chút chưa hợp khẩu vị nhưng khi mẹ hỏi em vẫn nói rằng mẹ đừng lo, con được ăn uống nghỉ ngơi, cơ sở vật chất đầy đủ, cô Linh cũng lo cho chúng con, thiếu thốn gì ở trên lo hết, bố mẹ không phải lo.
"Đến lúc lên sân bay em đã xác định phải gác lại lo lắng, em thấy mình quyết tâm hơn, vào đây là phải quyết tâm vững vàng, mạnh mẽ để ở nhà mẹ không lo”, Linh chia sẻ.
Chống dịch từ Bắc Giang trở về sau 1 tháng, nhận được lời kêu gọi lên đường vào Nam, Trần Hoàng Long – Sinh viên khoa Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai cũng không chút đắn đo, việc làm ngay sau khi nhận được tin nhắn chỉ là xếp quần áo vào vali.
Em có 3 chị là nhân viên y tế. Anh họ em cũng là bác sĩ ICU đang tăng cường cho bệnh viện dã chiến số 16 ở TP. HCM. Vậy nên, khi em lên đường cả gia đình ủng hộ.
Lúc đầu cứ tưởng sẽ vào Bệnh viện dã chiến số 16 nhưng sau đó lại được điều động về lấy mẫu ở huyện Hóc Môn, biết tin em vào Nam – anh gọi điện hỏi “Thế là anh em mình ở 2 đầu nỗi nhớ à? Chú giữ gìn sức khỏe nhé!”
Theo Th.S Bùi Minh Thu, Phó Hiệu trưởng thường trực, Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, chi viện cho miền Nam đợt này nhà trường có khoảng 800 sinh viên, giảng viên được phân công đến 10 quận huyện, 110 phường xã và du di từ 200-550 điểm lấy mẫu hoặc tiêm bởi vì mỗi phường có từ 2-5 điểm lấy.
Đối mặt
Vào Hóc Môn, ngày đầu tiên Trưởng nhóm Hồng Nhung và các bạn đi vào xóm Đông Thạnh lấy mẫu test và hướng dẫn người dân tự lấy mẫu. Ngày đầu tiên cả nhóm hoàn thành vượt chỉ tiêu hơn 5 nghìn mẫu/ngày.
“Chúng em được phân công đến từng ấp nhỏ, gặp người dân ai cũng hợp tác, họ rất quý mình, em thấy tình nguyện vào Nam chống dịch là điều đúng đắn. 7h tối về đến trường điểm lưu trú tại Trường Tiểu học ở huyện Hóc Môn khi đôi chân rã rời và mất nước, nhiều bạn phải đỡ nhau lên tầng".
7h30 phút sáng, lên xe đến trạm y tế ở xã Đông Thạnh, ăn sáng đầy đủ, đi vệ sinh trước khi mặc bảo hộ, bôi kem chống nắng, uống nước bù điện giải. Trong này nắng mưa thất thường, Nhung phải mất cả tuần để làm quen với thời tiết.
“Có hôm đứng giữa trời nắng rát, mặc đồ bảo hộ lấy mẫu cho người dân mồ hôi cứ tứa ra ướt sũng người, có hôm về em vắt được cả cốc nước mồ hôi”.
Thường tụi em cũng chuẩn bị bỉm để đóng vào nhưng mất nước quá nhiều, miệng lúc nào cũng khô, trước khi mặc đồ bảo hộ, em dặn mọi người uống nước đi vệ sinh mặc đồ bảo hộ, toát mồ hôi thường 90% không buồn đi vệ sinh.
Những hôm đến ngày em đau bụng quá, đang đứng lấy mẫu em phải nhờ bạn cùng nhóm đỡ ra ngồi ở vỉa hè, lúc đấy chẳng hiểu sao em nhớ nhà, nhưng dù vậy em cũng không nản lòng. "Đã quyết tâm đi rồi thì phải hoàn thành bằng được nhiệm vụ mới về, bay hàng nghìn cây số vào Sài Gòn không thể nản chí mà đòi về được”, Nhung – nữ sinh Hà Nội quả quyết.
Giữa cái nắng chói chang ở phố thị Sài Gòn, những sinh viên y tế trong bộ đồ bảo hộ vẫn kiên trì, quyết không từ bỏ vị trí.
ThS. Bùi Minh Thu kể, mặc bảo hộ cả ngày, quần áo thường ướt sũng. Theo quy trình mỗi lần có bệnh nhân F0 dương tính hoặc 6 lần xét nghiệm cho bệnh nhân âm tính đều phải thay găng tay mới. Những lúc như vậy, nước túa ra theo đôi găng, mồ hôi thấm qua bộ đồ bảo hộ dính chặt vào quần áo. Mồ hôi các em nhòe vào mắt cay xè thế nhưng lúc ấy chỉ dám nhắm nghiền mặt lại vì cay xót chứ không được gãi. Nhìn hình ảnh đó thương lắm!
Gọi sinh viên là con, cô Thu chia sẻ, “thầy cô cũng lo cho các con tối đa nhưng không thể nào hỗ trợ các con đứng ngoài trời, làm thế nào cho các con mát được hơn, các con phải hy sinh và đối mặt”.
F0 bí ẩn
Lấy mẫu ngoài cộng đồng, đối mặt với những F0 bí ẩn, F0 có thể là bất cứ ai. Do vậy, bảo hộ nghiêm ngặt, đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn bất kể ở đâu là điều nằm lòng của các sinh viên trường Y.
Nhung cho biết, hiện đã hoàn thành xong chiến dịch thứ Nhất và đang tập huấn để bắt đầu vào chiến dịch thứ 2. Chiến dịch đầu tiên mới vào là lấy mẫu test nhanh,vùng xanh lấy đại diện mỗi nhà 1 người còn vùng đỏ thì lấy mẫu test nhanh tất cả. Lấy mẫu test nhanh thì mình vừa hướng dẫn người dân, còn người già neo đơn thì sẽ lấy giúp họ.
Vùng đỏ có nhiều nguy cơ. “Có những tổ một ngày lấy 200 ca mà 40-50 ca dương, có những nơi cả xóm là F0. Vào đây đánh đồng loạt các ấp, ngõ ngách nào cũng đi. Còn về phản ứng nhanh, có những ca gọi lên trạm y tế với triệu chứng ho sốt, mất vị giác thì tụi em đến nhà đó, tìm đến tận ngõ lấy mẫu test nhanh, dương tính rồi lại lấy mẫu PCR gửi lên”, Nhung kể ngõ ngách, tổ dân phố nào cũng đánh.
Có hôm một tổ chuẩn bị set up để test cho người dân. Ở đấy cũng có 1-2 người làm ở chốt, họ là lực lượng chống dịch, họ huy động dân cho lực lượng y tế. Lúc đó, phát hiện ra một chú trong chốt dương tính, mặc dù chú cũng đứng xa, cũng đeo khẩu trang, kính chắn, nhưng lúc bóc test mà chưa mặc bảo hộ nên tụi em cũng sợ.
Đội em hôm đấy về có mấy bạn lo lắng, có bạn sinh viên năm nhất sợ, bạn ấy đã khóc, chỉ đến khi xin cô test nhanh âm tính rồi mới cảm giác nhẹ người”. Trong cuộc chiến này, kẻ thù của chúng ta là vô hình.
Có những tình huống trớ trêu là trong một gia đình đã có 1 F0 đã đi điều trị nhưng khi test cho cả nhà thì người duy nhất bị là các em bé, có em 5 tuổi, có em 2 tuổi thôi. Những người còn lại âm tính. Người tiếp xúc gần nhất với bé là mẹ hoặc bà là F0 đã đi cách ly. Gặp những tình huống đó em ám ảnh lắm, tự nhiên có cảm xúc thật khó tả, các em còn nhỏ như vậy, gần như chưa nhận thức được gì đã phải đi cách ly một mình”, Hoàng Long kể lại.
Cùng 90 sinh viên và 3 giảng viên khác thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm SarS- CoV-2 và tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Quận Bình Tân - TP. HCM, ThS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hội sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai cho biết, ở đây một ngày sinh viên mặc bảo hộ cấp 2 trở lên, bảo hộ rất nóng, vào lấy mẫu đến cả khát nước cũng không được uống, muốn đi vệ sinh cũng không được, nhiều bạn phải đóng bỉm, đang mặc bộ đồ ấy thì không thể cởi ra đi vệ sinh được. Mồ hôi ra nhiều, nóng như vậy nhưng không được uống nước vì kéo khẩu trang xuống uống nước tại cộng đồng thì nguy cơ rất cao.
Vào Sài Gòn lần này, Long và các bạn cũng có nhiệm vụ hỗ trợ dân người dân tự lấy mẫu tại nhà. Em là người miền Bắc, hướng dẫn xong các bác không hiểu, dù mình đã cố gắng nói chậm lại. Trong khi, việc lấy mẫu đòi hỏi tính chính xác cao, các bác không hiểu thì phải nhờ các bạn tình nguyện viên ngay. May mắn là các bạn tình nguyện viên rất nhiệt tình, Long kể.
Sau 4 ngày đầu tiên vào Sài Gòn, Phan Thị Hồng Nhung khàn giọng nhưng giờ thì em đã quen. Nhiều khi đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, đồ bảo hộ, tông nói chuyện phải to để dân nghe rõ, có bác không hiểu bảo “sao quạo vậy?”, Em giải thích “bác ơi, con mặc thế này con phải nói to hơn bình thường, bác thông cảm".
Tâm lý lo lắng của người dân trước đại dịch cũng là điều dễ hiểu. Có những người dân không chịu ra lấy mẫu test vì sợ tập trung đông người, các sinh viên phải đến tận nhà, tuyên truyền, động viên họ để họ ra lấy mẫu test.
“Có hôm làm test còn bị người dân xịt cồn lên người. Mình cũng hiểu rằng người dân sợ quá đà mới có hành động ấy”.
Có người sợ lấy mẫu test, sợ ngoáy mũi. Hôm nọ, em đang ngoáy thì một bác giằng luôn tay em ra, nắm chặt tay khiến em giật mình. Em cũng động viên cháu làm nhẹ nhàng thôi, bác thả lỏng người, thả lỏng người sẽ không đau!”, Nhung cho biết, là nhóm trưởng, em cũng dặn các bạn trong đội dù mặc bảo hộ, toát nhiều mồ hôi đến mấy, nóng đến mấy cũng không được cục cằn với người dân.
Bảo vệ mẫu trước những cơn mưa bất chợt
Thời tiết Sài Gòn “đỏng đảnh”, nắng đó rồi cũng mưa ngay được. Làm nhiệm vụ ở các ấp, các tổ đều không có mái che, chỉ mượn được dân được bàn ghế nên những buổi chiều khi những cơn mưa rào bất chợt Nhung và các bạn toàn phải chạy mưa.
Thế nhưng, phải bảo vệ các mẫu kist test bằng được bởi sợ mưa bắn vào là hỏng kết quả, "tụi em phải lấy thân ra chắn”, Nhung kể.
Cơn mưa đầu tiên sẽ là kỷ niệm khó quên của Trần Hoàng Long. Buổi đầu tiên đi làm tại ấp 1, mỗi nhà dân cách nhau phải gần 1 km. Ở đây, dân có thể ở trong các chòi ngoài đồng để tiện canh hoa màu, đường đồng bé tẹo, mấp mô. Khi xe máy di chuyển từ nhà nọ đến nhà kia thì trời đột ngột đổ mưa, gần như chúng em lao mình bảo vệ túi test để không bị ướt, về đến khu vực tập kết của ấp thì mấy chị em ai cũng ướt hết. Bộ đồ bảo hộ dưới chân thì lấm lem bùn đất. “Đấy là các bạn tình nguyện viên quen đường đi chứ chúng em mà đi tự lái xe di chuyển đến các nhà thì ngã hết”.
Quyết tâm chiến thắng đại dịch để trở về với gia đình
Gác bút nghiên lên đường vào Nam chống dịch, mang theo bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, xông pha đấy nhưng ai cũng hiểu rằng kẻ thù của chúng ta là vô hình. Bởi vậy, tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc bảo hộ là yêu cầu cao nhất.
Hằng ngày, sau thời gian đi lấy mẫu và tiêm vaccine, tối nào cũng vậy, 7h- 8h là khung thời gian dành để tập huấn, học tập đảm bảo không có sai sót nào trong quá trình làm nhiệm vụ. Xác định đánh trận dài chứ không dồn sức đánh trận ngắn nên việc đảm bảo sức khỏe và an toàn cho sinh viên được nhà trường đặt lên hàng đầu.
Khi được hỏi “những clip vui nhộn “săn đón” người dân lấy test có phải của tụi em không đấy?” Hồng Nhung cười thật tươi “dạ đúng rồi chị”. Bọn em hay hô hào người dân vì lỡ bóc thừa test về sợ bị la nên cứ “Bác ơi bác, quẹo lựa, quẹo lựa. Các anh chị bên đoàn quay lúc nào em cũng không biết”.
Vào Nam chống dịch, Th.S Nguyễn Hồng Nam chia sẻ, có lẽ ấm áp nhất là tình cảm của bà con, đặc biệt bà con ở tâm dịch dành cho đội ngũ nhân viên y tế. “Nhân viên y tế chúng tôi được đào tạo phải gần dân nhưng đây quả thực đây là trải nghiệm không thể nào quên. Vào đây nhiều người hồ hởi, tay bắt mặt mừng và cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế, nhiều người mang từng hộp sữa, từng cốc nước ra uống, chúng tôi vui lắm nhưng cũng không dám uống”. Tấm lòng của bà con miền Nam là động lực để tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Từ khi vào Nam, có lẽ Phan Thị Hồng Nhung đã từ bỏ một thói quen. Ở Hà Nội em chăm sóc da lắm, nhưng vào đây thì thôi. Chỉ là rửa mặt rồi chấm vài con mụn. Nhưng, trong lúc này đây, em thấy mình không chiến đấu một mình, nếu một mình có lẽ em không đủ sức mạnh bởi ở đây có quá nhiều F0. Em có đồng đội, cô giáo, đằng sau là bệnh viện lúc nào cũng chăm lo đời sống sức khỏe, vật tư y tế cũng hay động viên nên em cũng cố gắng. Em nhớ về gia đình, cố gắng dập dịch nhanh để về thủ đô. Nhưng lúc này đây, nếu nghỉ một ngày thôi là em chỉ muốn đi làm vì đi làm gặp mọi người, có đồng đội bên cạnh vui.
“Những ngày đầu tiên đi cũng có cảm giác giật mình, tại sao có cả xóm F0, nhưng càng đi sâu vào thì mình thấy rằng, mình không muốn họ là F0 nhưng săn được càng nhiều F0 càng tốt bởi mình sẽ tách được F0 ra khỏi cộng đồng để xử lý ổ dịch”, Hoàng Long nói.
Phía sau mình luôn là gia đình, là bố mẹ, là đồng đội, thầy cô sát cánh. Bảo bối của em chính là hậu phương, là gia đình, là đồng nghiệp tương lai ở Trạm Y Tế Bắc Từ Liêm.
Vào TP. HCM quá gấp gáp trong khi vẫn đang thực hiện nhiệm vụ tại Trạm y tế quận, lên đường Long chỉ kịp để lại dòng tin nhắn “Em vào Nam chống dịch, các chị làm hộ nhiệm vụ của em”. Ở đây, ngày nào các chị ở Trạm y tế cũng nhắn tin hỏi “Có ổn không? Tình hình trong đó thế nào?”...
Vậy đấy, cuộc chiến này mỗi người dân đều là chiến sĩ.