Bé trai N.D (2 giờ tuổi, ở Quảng Ninh), được chẩn đoán mắc bệnh lý thoát vị hoành bẩm sinh từ trong thời kỳ bào thai. Ngay sau khi vừa lọt lòng, trẻ xuất hiện tình trạng khóc yếu, cơ thể tím tái, suy tim phổi.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được làm các xét nghiệm máu, X quang ngực, siêu âm ổ bụng, siêu âm tim và chụp CT bụng, ngực, cho thấy toàn bộ dạ dày và lá lách của trẻ nằm trên lồng ngực, chèn ép vào phổi khiến phổi trái của bé gần như không có, phổi phải kém phát triển hơn bình thường, tim và mạch máu lớn bị đẩy lệch sang bên phải.

Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị thoát vị hoành bẩm sinh bên trái, thiểu sản phổi nặng, kèm tăng áp lực động mạch phổi rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

TS. BS Đặng Ánh Dương - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa - BV Nhi TW - người trực tiếp theo dõi và điều trị cho bệnh nhi - cho biết, trước diễn biến nghiêm trọng của bệnh, Ban Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương và các bác sĩ khoa Điều trị tích cực ngoại khoa đã quyết định sử dụng phương pháp Oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (Extracorporeal Membrane Oxygenation – ECMO).

Kết quả sau 2 tuần chạy ECMO, phối hợp với các điều trị hỗ trợ tích cực khác, tình trạng thiếu oxy, huyết áp, tăng áp lực động mạch phổi của trẻ cải thiện dần, bệnh nhân được cai máy ECMO, chuyển sang thở máy với thông số thấp, tình trạng bé cải thiện rõ rệt, tổn thương phổi phục hồi, chức năng trao đổi oxy của phổi rất tốt, chức năng các cơ quan ổn định. Trẻ đã được rút nội khí quản, tự thở oxy qua mặt nạ, ăn sữa dành cho trẻ tràn dưỡng chấp tăng dần.

Hiện sau hơn 1 tháng được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa, trẻ đã tự thở, chức năng tim bình thường, trẻ tỉnh táo nhanh nhẹn và bú mẹ hoàn toàn, ra viện sau 52 ngày nằm điều trị trong niềm vui sướng của gia đình.

TS.BS Đặng Ánh Dương cho biết, thoát vị hoành bẩm sinh là hiện tượng các tạng từ ổ bụng chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết cơ hoành bẩm sinh, thường ở vị trí lỗ sau và bên trái cơ hoành. Tùy thuộc vào lỗ thoát vị to hay nhỏ mà các phủ tạng có thể chui lên lồng ngực như dạ dày và ruột non, lách.

Trung bình mỗi năm khoa Điều trị tích cực ngoại khoa tiếp nhận khoảng 70 bệnh nhân mắc bệnh lý thoát vị hoành bẩm sinh và tỷ lệ cứu sống khoảng 70%.