Theo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang tới gần, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước. Trong đó, nhiều lễ hội rất đông lượt khách tham dự.

Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm; Bên cạnh thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng; đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm triển khai Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

Mục tiêu nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024. Cụ thể như sau:

- Hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.

- Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Thời gian triển khai từ 20/12/2023 đến hết 20/3/2024, trên phạm vi cả nước

Hoạt động truyền thông:

- Phổ biến kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

- Các cơ quan thông tấn báo chí tham gia truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo pháp luật, quản lý an toàn thực phẩm tại nơi diễn ra lễ hội; quản lý thực phẩm theo đặc thù địa phương; kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm, biểu dương các tổ chức cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng.

- Huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm, kiến thức về an toàn thực phẩm; tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau tết, cũng như mùa Lễ hội Xuân 2024.

Hoạt động kiểm tra

- Tại Trung ương: Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm thành lập 05 Đoàn Kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố.

- Tại địa phương: Tiến hành thành lập các Đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cấp, từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm đầu mối giúp Bộ Y tế triển khai thực hiện Kế hoạch và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về kết quả bảo đảm an toàn thực phẩm theo kế hoạch.

Tại các tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp là cơ quan tham mưu triển khai thực hiện, tổng kết, báo cáo.