Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khi thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) một số đại biểu đã kiến nghị tăng quyền lợi cho lao động nữ khi thai sản.
Tại Điều 53 khoản 1 quy định: Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần, mỗi lần nghỉ không quá 2 ngày. Với quy định này, nhiều đại biểu cho rằng, được nghỉ tối đa 5 lần để đi khám thai là không đủ.
Bà Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre cho biết, tại các cơ sở y tế, thông thường thai phụ được chỉ định khám thai định kỳ theo các mốc quan trọng như 12 tuần, 16 tuần, 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng. Tuy nhiên, trong trường hợp, thai nhi có bất thường, tùy vào từng mức độ bác sĩ sẽ chỉ định khám lại sau 1 tuần, 10 ngày hay 15 ngày... Như vậy, nếu theo dự thảo luật, người lao động sẽ phải xin nghỉ thêm ngoài số ngày quy định. Do vậy đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi kiến nghị: “Để đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt cho phụ nữ lao động đang mang thai yên tâm làm việc, nên xem xét tăng số lần được nghỉ khám thai tối đa lên 9 - 10 lần”.
Trước đó, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định này kế thừa quy định của Luật hiện hành (tối đa 5 lần), tuy nhiên, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thời gian khám thai "mỗi lần từ 1 đến 2 ngày theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh", tức là tối đa được nghỉ đi khám thai 10 ngày. Thế nhưng, theo đại biểu Nguyễn Tri Thức, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, trong dự thảo Luật nên chia ra thành 2 nhóm là thai bình thường và thai bệnh lý. Đối với thai bệnh lý thì để các bác sỹ điều trị quyết định số ngày khám và nên phân chia tuổi thai khi quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ sẩy thai, phá thai.
Để bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ khi sinh con, các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý Điều 52 của dự thảo Luật theo hướng không quy định điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội 12 tháng trước khi sinh đối với lao động nữ thuộc trường hợp hiếm muộn khi sinh con. Thay vào đó, chỉ cần quy định có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 5 năm liên tục trở lên và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc điều trị hiếm muộn.
Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia tại khu vực Đông Nam Á có chính sách thai sản tốt, với nhiều ưu điểm về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng. Tuy nhiên, chính sách này vẫn còn một số điểm hạn chế, chưa bao trùm được hết các đối tượng trong xã hội. Nhiều đại biểu đề xuất nghiên cứu tăng số ngày nghỉ của lao động nam khi vợ sinh con. Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đề nghị nam giới đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi vợ sinh con được hưởng theo chế độ thai sản lên tối thiểu 10 ngày. Với trường hợp sinh đôi trở lên hoặc sinh mổ thì có thể tăng gấp đôi thời gian nghỉ để đảm bảo tính trách nhiệm, tạo điều kiện cho người cha hỗ trợ người mẹ trong quá trình chăm sóc con nhỏ (hiện nay được nghỉ 5 ngày, sinh thường 1 con).
Hiện nay làm mẹ đơn thân ở nước ta đang có xu hướng gia tăng, đối tượng này cũng cần được hưởng chính sách của Nhà nước về người chăm sóc khi sinh con. Chính vì thế, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Dự thảo luật bổ sung thêm đối tượng hưởng chế độ thai sản đối với phụ nữ đơn thân. “Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội đăng ký phục vụ phụ nữ sinh con cũng sẽ được hưởng chế độ phục vụ phụ nữ khi sinh con”.
Đảm bảo quyền lợi trong chế độ thai sản được xem là 1 trong những giải pháp hữu hiệu giúp giữ chân người lao động trong hệ thống an sinh, tránh tình trạng rút BHXH 1 lần. Bên cạnh đó cũng khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng nhiều lợi ích tốt nhất./.