Bệnh nhi thứ nhất là bé N.N.M (nữ, 6 tuổi) mắc động kinh kháng trị với hàng trăm cơn động kinh mỗi ngày. Các bác sĩ nhận định trẻ có vùng động kinh trên phim cộng hưởng từ rất phức tạp, gần với các vùng vận động và các dây trung tâm.

Để ca mổ được thực hiện chính xác và hiệu quả nhất, dưới sự hỗ trợ của 7 chuyên gia đến từ Bệnh viện Trẻ em Alabama Hoa Kỳ, chúng tôi đã phẫu thuật đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não, lập bản đồ vùng sinh động kinh, theo dõi trong vòng 24 – 48 giờ liên tục, nhằm ghi hình tất cả những vùng động kinh, từ đó lựa chọn vị trí và phương pháp phẫu thuật thích hợp. Đây là kỹ thuật tiến tiến trên thế giới, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.” – BS.CKII Lê Nam Thắng – Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Phó Giám đốc Trung tâm Thần kinh cho biết.

Sau khi được các bác sĩ phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn vùng tổn thương gây ra cơn động kinh, hiện tại, bé N.N.M gần như tỉnh táo, không có cơn giật, không bị liệt, chức năng vận động không bị ảnh hưởng.

Trường hợp thứ 2 là bé H.T (nam, 5 tuổi) bị xơ hóa củ ở cả 2 bán cầu não vùng trán bên trái và thái dương, điện não đồ thông thường không xác định được đâu là nguyên nhân chính gây ra động kinh. Những vùng gây động kinh này lại rất gần các vùng chức năng, chính vì thế, các bác sĩ Trung tâm Thần kinh cùng các chuyên gia Hoa Kỳ tiến hành 02 bước: Mở sọ xác định ổ gây động kinh trước bằng cộng hưởng từ, sau đó tiến hành đặt điện cực, bao gồm cả điện cực bề mặt và điện cực sâu dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị.

Sau 48 giờ theo dõi, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cắt ổ động kinh cho trẻ mà không gây ảnh hưởng đến chức năng và vận động. Với việc phẫu thuật đạt được thành công tuyệt đối như vậy, bệnh nhi sẽ không phải dùng thuốc chống động kinh sau mổ, hoàn toàn có thể trở lại cuộc sống bình thường.” – BS.CKII Lê Nam Thắng – Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Phó Giám đốc Trung tâm Thần kinh chia sẻ.

Bước tiến mới nâng tầm phẫu thuật động kinh tại Việt Nam

Chia sẻ về việc sang Việt Nam chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, GS Brandon Rocque – Bệnh viện Trẻ em Alabama, Hoa Kỳ cho biết: “Kỹ thuật đặt điện cực bề mặt não đã thực hiện ở Mỹ và châu Âu 5 năm nay. Các bác sĩ nội khoa, phẫu thuật viên của Bệnh viện Nhi Trung ương là cơ sở y tế đầu tiên của Đông Nam Á nhận chuyển giao kỹ thuật, họ tiếp thu rất tốt trong phẫu thuật và chăm sóc bệnh nhi. Chúng tôi hy vọng rằng các ca phẫu thuật đều sẽ đạt kết quả tốt.

Kỹ thuật tiên tiến đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh lần này có tính chính xác rất cao, thực sự là một bước tiến mới đối với y học Việt Nam. Để đưa kỹ thuật này về Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã có gần 2 năm chuẩn bị. BS.CKII Lê Nam Thắng cùng một số bác sĩ hồi sức đã học tập và nhận chuyển giao kỹ thuật này tại Mỹ. Cuối tháng 9, sẽ có thêm 3 bác sĩ của Bệnh viện sẽ tiếp tục đi học tập 3 tháng tại Bệnh viện Trẻ em Alabama, Hoa Kỳ để ngày càng nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn, giúp giải quyết được các ca bệnh khó của nhóm bệnh lý động kinh phức tạp, đem lại cuộc sống tươi đẹp hơn cho bệnh nhi động kinh kháng trị và gia đình. Đồng thời, cũng góp phần, nâng cao trình độ phẫu thuật động kinh của Bệnh viện Nhi Trung ương nói riêng và Việt Nam nói chung lên ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.