Tại hội nghị hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, được tổ chức sáng 4/11 tại TP. Buôn Ma Thuột Đắk Lắk, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, đây là chương trình góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025. Nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm thực hiện theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện, của 21 tỉnh với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.
Để thực hiện hiệu quả chương trình này, Đảng và Nhà nước đã có chương trình hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị dược liệu. Lần đầu tiên Sâm và dược liệu quý nhận được sự quan tâm đầu tư từ ngân sách nhà nước với mức hỗ trợ, đầu tư lớn nhất từ trước đến nay.
Tổng mức đầu tư hỗ trợ có thể lên tới 65 tỷ cho một vùng dự án. Với các nội dung hỗ trợ như: Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ; Hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh; Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học; Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm....
Theo điều tra về nguồn gen dược liệu, Việt Nam có 5117 loài , trong đó có nhiều loại dược liệu quý, hiếm và vốn tri thức y học truyền thống dân tộc với nhiều bài thuốc có giá trị, là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, sản phẩm chăm sóc bảo vệ sức khỏe từ dược liệu, hóa mỹ phẩm từ dược liệu…
Hàng năm tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ở nước ta ước tính 100.0000 tấn với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm.
Có thể thấy, nước ta có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số niền núi, nông thôn, mà còn có thể xuất khẩu đóng góp tăng trưởng GDP cho nền kinh tế nước nhà. Trong đó Sâm và dược liệu quý được xác định là đối tượng có nhiều tiềm năng và lợi thế của các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Chính phủ lựa chọn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo sinh kế và tăng thu nhập ổn định, bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực triển khai dự án.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế đề nghị các địa phương được lựa chọn triển khai nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý tích cực, chủ động, phối hợp tốt hơn với Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng chính sách xã hội và các bộ, ngành liên quan quyết tâm hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để kịp thời lựa chọn chuỗi giá trị dược liệu, chủ trì liên kết triển khai thực hiện nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025./.