Mặc dù tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV đã giảm đáng kể nhờ việc mở rộng điều trị thuốc ARV, nhưng tỷ lệ tử vong ở nhóm người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C không có xu hướng giảm.

Đồng nhiễm HIV và viêm gan C có nguy cơ tiến triển thành xơ gan hoặc bệnh lý gan. Việc điều trị viêm gan C ở người nhiễm HIV vì thế là một trong các mục tiêu cần phải đạt được để chấm dứt bệnh AIDs vào năm 2030 ở nước ta.

Với sự hỗ trợ từ Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDs trong năm 2021 -2022, có 16.000 người nhiễm HIV, người đang sử dụng Methadone tại 36 tỉnh thành phố được điều trị viêm gan virus C. Đây là các thuốc kháng virus tác dụng trực tiếp, an toàn cao, khả năng dung nạp tốt, ít tương tác với thuốc ARV, thuốc Methadone.

"16.000 nghìn người bệnh ở Việt Nam điều trị viêm gan C là những con số rất có giá trị bởi vì không chỉ điều trị khỏi cho người bệnh mà còn cắt được nguồn lây truyền và kiểm soát được phần nào việc số người tử vong vì viêm gan virus C trong thời gian tới" - PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDs chia sẻ.

Bên cạnh việc thuốc điều trị viêm gan C được cấp miễn phí, người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C sẽ được chi trả các dịch vụ khác như xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C theo quyền lợi và mức hưởng của Quỹ Bảo hiểm y tế và các xét nghiệm khác theo quy định.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết: 16.000 người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được điều trị thì có 96,6% khỏi bệnh sau 6 tháng. Tuy nhiên ngoài việc dùng thuốc điều trị viêm gan C thì người bệnh cần có chế độ ăn uống đủ chất để giúp cơ thể có đủ sức chống chọi với bệnh. Bên cạnh đó người bệnh cũng nên hạn chế, tốt nhất là từ bỏ hẳn những thói quen làm ảnh hưởng xấu đến gan như uống bia rượu, hút thuốc lá; không nên thức khuya; hạn chế táo bón; từ bỏ thói quen nhịn tiểu; không ăn thực phẩm bị nấm mốc…Ngoài ra, người bệnh cũng nên tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao vừa sức để tăng cường khả năng tuần hoàn đưa máu nuôi dưỡng gan, đồng thời tiết mồ hôi giúp đào thải bớt độc chất qua da.

Ước tính nước ta hiện có khoảng 6,6 triệu người nhiễm viêm gan B mạn tính và hơn 900.000 người nhiễm viêm gan C mạn tính. Trên 50.000 người nhiễm HIV mắc viêm gan C mạn tính. Xơ gan và ung thư gan tiếp tục tăng nếu không mở rộng nhanh bao phủ chẩn đoán và điều trị. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 trong số 10 quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư gan cao nhất trên toàn cầu.

TS.BS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế (WHO) tại Việt Nam cho biết: WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Cục Phòng chống HIV/AIDS giải quyết bệnh viêm gan C trong nhóm dân số chính và những người nhiễm HIV để đạt được mục tiêu quốc gia và toàn cầu về loại trừ viêm gan virus vào năm 2030.