Sáng nay (20/9), Bộ Y tế tổ chức hội thảo "Sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường vì lợi ích sức khỏe cộng đồng".
Thông tin tại hội thảo Ths. Nguyễn Tuấn Lâm chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, xu hướng sử dụng các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia và đồ uống có cồn đang tăng lên.
"Năm 2010, mỗi người Việt Nam tiêu thụ trung bình 6,6 lít cồn nguyên chất, năm 2019 tăng thành 9,3 lít. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành năm 2021 là 41,1%. Nếu không có các biện pháp can thiệp tỷ lệ này có thể tăng lên 43% vào năm 2030" - thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm nói.
Thuốc lá gây ra 25 nhòm bệnh (ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản). Ước tính có 40.000 người tại nước ta tử vong mỗi năm do liên quan đến thuốc lá.
Rượu, bia gây ra hơn 230 loại bệnh tật và tình trạng rối loạn thương tích (rối loạn sử dụng rượu, bia, tổn thương gan, xơ gan..
Đồ uống có đường liên quan đến ít nhất 09 nhóm bệnh nguy hiểm (thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2, hội chứng rối loạn chuyển hóa...).
Xu hướng tiêu thụ rượu, bia thuốc lá tăng nhanh là một trong những yếu tố nguy cơ làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm tại nước ta. Theo các nghiên cứu, thuốc lá gây ra 90% trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% và là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh mạch vành và đột quỵ. Sử dụng rượu bia gây ra 46.000 ca tử vong mỗi năm. Ngoài ra, tiêu thụ đồ uống có đường có thể liên quan đến 9,3% tỷ lệ mắc bệnh tim mạch được chẩn đoán. Người tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn 1,36 lần.
Từ thực tế này, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục tăng thuế để tăng giá bán lẻ rượu, bia, hạn chế tiếp cận mặt hàng này.
WHO khuyến nghị cần tăng giá bán lẻ ít nhất 10%. Bộ Tài chính và Y tế cũng đề xuất lộ trình tăng giá bán rượu bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của WHO, nhằm giảm tỷ lệ sử dụng và ngăn tác hại sức khỏe.
Cụ thể, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tăng thuế đối với rượu bia.
Phương án 1: Giá bán năm 2026 tăng 2-3% so 2025, các năm tiếp theo giá bán tăng 2-3%/năm so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập.
Phương án 2: Giá bán năm 2026 tăng 10% so 2025, các năm tiếp theo giá bán tăng 2-3%/năm so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập.
Đề xuất này được đưa vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự kiến tháng 10 lấy ý kiến Quốc hội và thông qua vào tháng 5/2025.
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đưa các mặt hàng này vào là tín hiệu đáng mừng vì hướng tới mục tiêu vì lợi ích sức khỏe của người dân.
"Cùng với các giải pháp như giáo dục, truyền thông, chính sách pháo luật, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, thì thuế là giải pháp hữu hiệu nhất. Ước tính nếu tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và rượu bia từ 5-8% và đồ uống có đường từ 8-13%" - theo Bộ Y tế.