Khi hành trình làm mẹ gặp những gian nan
Trải qua hai lần sảy thai liên tiếp, chị Võ Thị Thanh từng nghĩ cơ hội làm mẹ sẽ mãi mãi xa vời. Một chuyến công tác tưởng chừng bình thường lại trở thành bước ngoặt trong cuộc đời chị.
Chị Thanh chia sẻ: "Sau chuyến công tác về, em thử que thấy hai vạch, lúc đó cũng hơi lo vì ngày nào cũng ra máu. Rất là buồn, có một cái thai nhưng không được khỏe…”
Đi khám, chị Võ Thị Thanh được chẩn đoán mắc dị dạng tử cung hai sừng – tình trạng tử cung bị chia đôi như hình trái tim. "Khi em đậu thai, cái thai nằm ngay chóp của hình trái tim. Lúc đó, nó nằm ngay chóp nên rất dễ bị đẩy ra ngoài" – chị Thanh kể lại về nguy cơ phải đối diện ở thời điểm đó.
Dù nguy cơ sảy thai rất lớn, em bé vẫn ở lại trong tử cung như một kỳ tích. Suốt thai kỳ, bác sĩ chỉ khuyên chị Thanh: "Cố được đến khi nào thì cố". Giờ đây, con trai chị đã được 19 tháng tuổi – một cái kết ngọt ngào sau hành trình đầy thử thách.

Tương tự, chị Trần Thị Chi cũng đối mặt với những trắc trở không lường trước. Lấy nhau nhiều năm nhưng chưa có con, vợ chồng chị đi khám khắp nơi mà vẫn không tìm ra nguyên nhân. Phải đến năm 2021, sau một lần thai sinh hóa, chị mới được chẩn đoán mắc dị dạng tử cung đôi – tình trạng khiến phôi thai khó làm tổ hoặc dễ sảy.
Chị Chi kể: "Lúc đầu nghe thì cũng hoang mang, sợ lắm, chưa từng nghe tới trường hợp này. Người nhà, bạn bè cũng không ai biết cả. Hồi đó, vợ chồng em ở Hàn Quốc, bác sĩ bên đó bảo em không có em bé được đâu".
Ở nơi đất khách, các bác sĩ từ chối điều trị vì cho rằng khả năng thành công rất thấp. Không cam lòng, chị Chi quyết định trở về Việt Nam để phẫu thuật. Sau mổ, vợ chồng chị ở với nhau thêm nửa năm chưa có tin vui, nên quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
"Em phẫu thuật khoảng thời gian này năm ngoái. Ở với nhau nửa năm không có thì em làm IVF thì có luôn, trộm vía. Cưới 2 năm mới bắt đầu đi khám, giờ đã được 7 năm, hiện thai 16 tuần, cũng trộm vía"- chị Chi chia sẻ.
Những bất thường tử cung – tưởng như dấu chấm hết cho hành trình làm mẹ nhưng khi hiểu đúng cơ thể mình, khi có bác sĩ đồng hành và niềm tin không tắt, những đứa trẻ vẫn có thể đến – theo cách của riêng chúng.
Hiểu đúng về dị dạng tử cung để không bỏ lỡ cơ hội làm mẹ
Theo BS Hà Ngọc Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Việt - Bỉ, những bất thường như tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn không phải quá hiếm gặp trong thực tế lâm sàng, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn.
BS Hà Ngọc Mạnh phân tích: "Tử cung hai sừng và tử cung có vách ngăn đều là bất thường bẩm sinh. Tuy nhiên, khác nhau về mặt cấu trúc: tử cung có vách ngăn là do bất thường trong quá trình tiêu vách ngăn buồng tử cung, còn tử cung đôi là do bất thường ngay từ giai đoạn hình thành ban đầu".
Việc chẩn đoán hai bất thường này đôi khi không dễ dàng. Bác sĩ phải dựa vào siêu âm, chụp tử cung vòi trứng, thậm chí cần nội soi buồng tử cung để phân biệt.

Về tiên lượng, BS Hà Ngọc Mạnh cho biết: "Với tử cung có vách ngăn, nếu phát hiện sớm và cắt vách ngăn qua nội soi, khả năng mang thai và giữ thai sẽ cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, những bất thường như tử cung hai sừng hoặc tử cung đôi khiến buồng tử cung nhỏ hơn bình thường, dẫn đến nguy cơ sảy thai hoặc sinh non rất cao – đặc biệt dưới 32 tuần".
Trong thực tế điều trị, những bệnh nhân có tử cung bất thường có thể giữ thai đến tuần 32 - 34 là đã rất thành công. Thông thường, nhóm bệnh nhân này sẽ được chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Khi nào nên đi khám để tầm soát dị dạng tử cung?
BS Hà Ngọc Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Việt - Bỉ cho biết, tỷ lệ dị dạng tử cung không cao, nhưng với những người đã có dấu hiệu hiếm muộn, hoặc từng sảy thai liên tiếp, cần đi khám sớm để được tầm soát.
BS Mạnh khuyến nghị: "Nếu sau một năm quan hệ đều đặn mà không có thai, chị em nên đi kiểm tra. Một số dị dạng tử cung có thể phát hiện qua siêu âm đầu dò âm đạo. Khi cần, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm hình ảnh chuyên sâu như chụp tử cung vòi trứng, nội soi buồng tử cung."
Những bất thường tử cung thường không gây triệu chứng rõ rệt trong cuộc sống hàng ngày, nên dễ bị bỏ qua. Nhưng một khi đã được phát hiện, việc theo dõi và can thiệp kịp thời có thể làm thay đổi hoàn toàn hành trình làm mẹ của người phụ nữ./.