Sáng 29/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố cụ thể dữ liệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
Theo đó, ở môn thi Lịch sử có hơn 499.000 thí sinh lựa chọn, trong đó thí sinh chương trình cũ (2006) là hơn 15.000 và thí sinh chương trình mới là hơn 484.000 em.
Ở môn Địa lý, có hơn 494.000 em lựa chọn, trong đó thí sinh chương trình cũ gần 15.000 em và thí sinh dự thi chương trình mới gần 480.000 em.
Môn tiếng Anh có tổng gần 359.000 thí sinh, trong đó thí sinh thi chương trình cũ hơn 6.000 em và thí sinh dự thi theo chương trình mới gần 353.000 em.
Môn Vật lý có tổng hơn 354.000 em dự thi, trong đó thí sinh theo chương trình cũ gần 5.000 em và chương trình mới gần 350.000 em.
Môn Giáo dục kinh tế pháp luật có tổng hơn 247.000 em đăng ký dự thi ở chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hai môn mới là Công nghệ và Tin học được chọn ít nhất. Trong đó, môn Tin học có hơn 7.700 em, Công nghệ Công nghiệp chỉ hơn 2.400.

Trong chương trình "30 phút cùng VOV2" phát sóng ngày 16/4, TS. Lê Đông Phương, nguyên giáo đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết, việc nhiều thí sinh lựa chọn thi các môn xã hội để xét tốt nghiệp THPT là xu hướng trong nhiều năm trở lại đây.
"Năm 2025 là năm đầu tiên thí sinh dự thi tốt nghiệp theo chương trình 2018, kỳ vọng ban đầu của chương trình là tạo được sự cân đối hơn giữa các môn thi, môn học nhưng năm nay khối Khoa học xã hội tiếp tục chiếm ưu thế hơn so với các môn Khoa học tự nhiên", TS. Lê Đông Phương nói.
Cũng theo TS. Lê Đông Phương, Bộ GD-ĐT đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 1 triệu sinh viên theo học các ngành STEM, từ đó thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Khoa học kỹ thuật, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Tuy nhiên, việc các môn Khoa học xã hội đang chiếm ưu thế trong lựa chọn môn học và dự thi tốt nghiệp THPT khiến cho số học sinh lựa chọn các môn STEM không còn nhiều và điều này khó đạt được mục tiêu như kỳ vọng là đến năm 2030 đạt 1 triệu sinh viên theo học các ngành STEM.
"Hiện, số sinh viên cả nước là gần 2,1 triệu nhưng mới có khoảng 25% sinh viên theo học các ngành STEM", TS. Lê Đông Phương thông tin.
Trong khi đó, bà Lưu Thị Lập, Hiệu trưởng trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, để học sinh yêu thích các môn Khoa học tự nhiên, các trường cần phải đầu tư vào các môn này, trong đó có đầu tư về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, phòng thực hành, thí nghiệm... để học sinh, phụ huynh nhìn thấy được sức hấp dẫn của các môn Khoa học tự nhiên.
"Phải giúp học sinh yêu thích các môn Khoa học tự nhiên, vượt lên nỗi ám ảnh đây là các môn học khó, khô khan và mạnh dạn lựa chọn. Thực tế nếu học tốt các môn Khoa học tự nhiên, cơ hội lựa chọn ngành nghề, việc làm sau này rộng mở với học sinh", bà Lưu Thị Lập chia sẻ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong hai ngày 26-27/6/2025.
Nhóm thí sinh thi tốt nghiệp lần đầu theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải làm bốn bài thi, bắt buộc có Toán và Ngữ văn. Ngoài ra, các em chọn hai môn đã học ở trường (Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ).
Trong công thức tính điểm xét tốt nghiệp, điểm các môn thi chiếm 50%; còn lại là điểm học bạ lớp 10, 11, 12 (50%) và điểm ưu tiên nếu có. So với trước, điểm học bạ tăng 20%.
Thí sinh thi theo chương trình cũ (chương trình 2006) sẽ làm bài thi Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, cùng một trong hai bài Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được công bố vào ngày 16/7./.