Hôm nay (3/7), Liên đoàn quốc tế của Hiệp hội Bệnh vảy nến (IFPA) và vảy nến Châu Á (PsorAsia) đã tổ chức Diễn đàn Bệnh vảy nến Châu Á (IFPA Asia 2003) tại Singapore.

Với sự tham gia của 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, Diễn đàn IFPA Asia là một nền tảng chung cho sự gắn kết và hợp tác, đoàn kết tất cả những bên liên quan để giải quyết những vấn đề về bệnh vảy nến. Mục tiêu của diễn đàn là tìm kiếm những giải pháp thực tế, giúp thúc đẩy hành động của khu vực đối với bệnh vảy nến ở các quốc gia Châu Á, trong đó tập trung vào việc cải thiện sức khỏe và đời sống của những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến.

Bà Frida Dunger-Johnsson, Giám đốc điều hành IFPA, cho biết: Diễn đàn là tiếng nói của những bệnh nhân vảy nến. Và đây là lần đầu tiên được tổ chức ở Châu Á với những thách thức rất riêng của khu vực này.

“Tôi đánh giá cao về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tác động đến Chính phủ quan tâm hơn nữa đến bệnh nhân vảy nến và giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng bằng cách đưa ra những thông tin nhiều hơn nữa về căn bệnh này”, bà Frida nói.

Tham dự Diễn đàn, đoàn Việt Nam với đại diện là Hội Bệnh nhân Vảy nến cũng chia sẻ những biện pháp mà Việt Nam đang thực hiện vì bệnh nhân mắc bệnh vảy nến.

Ông Trần Hồng Trường, Chủ tịch Hội Bệnh nhân vảy nến Việt Nam, thành viên Hội Bệnh nhân vảy nến thế giới cho rằng: những thách thức đặt ra trong chăm sóc điều trị bệnh nhân vảy nến trong khu vực Châu Á là tương đồng nhau. Đó là vấn đề kỳ thị những người mắc bệnh này, nhận thức của cộng đồng chưa đầy đủ về bệnh vảy nến, đặc biệt là sự hạn chế trong tiếp cận chăm sóc y tế của bệnh nhân, chi phí điều trị còn cao.

“Hiện Việt Nam đang tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân và chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế giúp các bệnh nhân vảy nến ở vùng khó khăn có thể tiếp cận tốt hơn với các bệnh viện tuyến trên để điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề, đó là chính sách bảo hiểm y tế hiện chưa chi trả những thuốc điều trị chuyên sâu và hiệu quả như thuốc sinh học. Và đây là vấn đề mà các bệnh nhân vảy nến mong muốn Chính phủ và Bộ Y tế ghi nhận và có chính sách điều chỉnh”, đại diện Hội Bệnh nhân vảy nến Việt Nam kiến nghị.

Vấn đề giảm chi phí về thuốc và điều trị cũng nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các quốc gia Châu Á tại Diễn đàn IFPA Asia 2023. Hầu hết đại diện các quốc gia đều đề xuất là Chính phủ các nước cần thương lượng với các hãng dược để đưa ra sản phẩm thuốc với giá thành phù hợp hơn với điều kiện của từng quốc gia.

Bác sỹ Collin Theng, Trung tâm Da liễu Singapore cho biết: hiện nay các phương pháp điều trị truyền thống như điều trị bằng ánh sáng, bằng thuốc ức chế miễn dịch vẫn có hiệu quả, với chi phí hợp lý, tiếp cận được các nhóm đối tượng tại nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, vảy nến là bệnh hệ thống, vì thế việc các nhà khoa học tìm ra phương pháp điều trị mới bằng sinh học là một tiến bộ lớn, đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn và an toàn hơn so với các phương pháp điều trị truyền thống. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là giá thành.

"Việc Diễn đàn IFPA Asia 2023 thảo luận để có được cách thức tốt nhất giúp người bệnh tiếp cận phương pháp này là cần thiết”, bác sỹ Collin Theng nhận định.

Ông Collin Theng cũng đánh giá cao việc các bác sỹ Việt Nam đã tiếp cận được tất cả các biện pháp điều trị bệnh vảy nến của thế giới. Và hiện ông cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình để các bệnh viện chuyên khoa da liễu tại Việt Nam có thể thực hiện thường xuyên hơn phương pháp điều trị vảy nến bằng sinh học.

Được thành lập vào năm 1971, IFPA là Liên đoàn quốc tế các Hiệp hội bệnh vẩy nến. Thành viên IFPA là đại diện của hơn 60 triệu người đang sống chung với bệnh vẩy nến. IFPA đặt ra sứ mệnh hỗ trợ tất cả những người mắc bệnh vảy nến đều được chăm sóc sức khỏe, không bị kỳ thị, sống hạnh phúc và có thể hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của căn bệnh này.