Các nhà khoa học dự đoán Châu Âu sẽ đón nhiều đợt bùng phát Covid-19 liên tiếp, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh, người dân dành nhiều thời gian trong nhà và không đeo khẩu trang. Có thể, sẽ có tới một triệu ca nhiễm/ngày.

Số ca nhiễm có thể tăng, song trường hợp nhập viện và tử vong khó tăng ở mức độ tương tự. Nguyên nhân là người dân đã tiêm vaccine nhắc lại hoặc nhiễm virus trước đó, các biến chủng nhẹ hơn và những phương pháp điều trị hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, ông Adam Kucharski, chuyên gia dịch tễ tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London cho rằng, mọi người cần gạt bỏ ý nghĩ đại dịch đã kết thúc bởi Covid-19 vẫn đang là mối đe dọa lâu dài, gây ra gánh nặng bệnh tật cao.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu, tình huống xấu nhất là các biến chủng mới vừa gây bệnh nặng hơn, vừa trốn tránh được miễn dịch.

Một báo cáo dựa trên mô hình của Đại học Hoàng gia London cho thấy tất cả các kịch bản (với biến chủng mới) đều chỉ ra khả năng xảy ra một làn sóng lớn hơn trong tương lai ở mức độ tồi tệ hơn dịch bệnh năm 2020 và 2021.

Ở khía cạnh khác, nhiều chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho biết việc dự báo về Covid-19 đã trở nên khó khăn hơn, vì người dân hiện nay chủ yếu xét nghiệm nhanh và điều trị tại nhà mà không báo cáo cho giới chức y tế. Điều này khiến chính phủ không có cái nhìn đầy đủ về quy mô thực sự của dịch bệnh.

BA.5, biến phụ Omicron đang gây ra đợt dịch cao điểm ở nhiều khu vực, rất dễ lây lan. Nhiều bệnh nhân nhập viện vì các bệnh khác tình cờ phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 và được tính vào trường hợp nặng, dù Covid-19 không phải nguyên nhân khiến họ nhập viện.

Câu hỏi khác là liệu sự bảo vệ của miễn dịch lai (vừa tiêm chủng vừa nhiễm nCoV) hiệu quả thế nào trước các biến chủng, chiến dịch mũi tiêm tăng cường hiệu quả ra sao?

Các chuyên gia đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tại Australia, nơi mùa cúm kết hợp Covid-19 bùng phát, khiến các bệnh viện trở nên đông đúc. Họ cho rằng các nước phương Tây có thể thấy mô hình tương tự sau khoảng thời gian không có dịch cúm.

Trước nguy cơ của những làn sóng mới, WHO cho biết mỗi quốc gia cần ứng phó bằng các công cụ hiệu quả từ giai đoạn trước, như tiêm chủng, đeo khẩu trang, xét nghiệm và giữ khoảng cách an toàn.