Cách đây gần chục năm, ông T ở Hà Nội thấy một khối phồng xuất hiện ở vùng thắt lưng. Khối phồng này nhỏ đi khi ông nằm nghiêng nhưng lại to ra khi đi đứng, ban đầu được chẩn đoán là u mỡ. Tuy nhiên, khối phồng ngày càng lớn hơn và gây đau tức khi đi lại hoặc khi gắng sức. Gần đây, đi khám Bệnh viện E, ông T được các bác sĩ xác định bị thoát vị thắt lưng, cần phải mổ để đóng lỗ thoát vị và trả lại giải phẫu bình thường cho ổ bụng.

PGS.TS Đỗ Trường Sơn – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp – Bệnh viện E cho biết, thoát vị thắt lưng là tình trạng di chuyển tạng trong ổ bụng ra ngoài thành bụng sau ở vùng thắt lưng. Đây là một loại thoát vị rất hiếm gặp, ban đầu rất dễ bị chẩn đoán nhầm với u mỡ. Trước kia, bệnh nhân thường phải mổ mở để khâu loại lỗ thoát vị với đường mổ rộng, gây đau đớn và để lại vết sẹo lớn trên thành bụng. Hiện nay, kỹ thuật mổ nội soi đã giúp bệnh nhân bớt đau, giảm nguy cơ nhiễm trùng, mất máu, sẹo mổ nhỏ.

Song phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị thắt lưng có hai cách: cách thứ nhất là đường mổ đi qua rốn vào ổ bụng rồi ra đằng sau vùng thắt lưng và sửa chữa lỗ thoát vị. Với cách này, đường đi của dụng cụ khá xa và có thể gây dính các tạng trong ổ bụng. Cách thứ hai là mổ nội soi ngoài phúc mạc, tức là mở lỗ nội soi cạnh thành bụng, đưa dụng cụ vào phẫu tích ở khoang ngoài ổ bụng, sau đó sử dụng tấm lưới nhân tạo để che phủ lỗ khuyết hổng thành bụng sau do bao thoát vị gây ra. Đây là phương pháp có rất nhiều ưu điểm, với vết mổ nhỏ, giảm đau đớn, giảm các biến chứng cho người bệnh.

Sau khi xem xét, đánh giá kỹ vị trí thoát vị thắt lưng của bệnh nhân T, các bác sĩ của khoa Ngoại Tổng hợp và Khoa Thận, Tiết niệu và Nam học – Bệnh viện E đã phối hợp phẫu thuật cho ông theo cách thứ hai. “ Chúng tôi tiến hành nội soi nhưng ngoài phúc mạc hoàn toàn, không đi vào ổ bụng, kéo hết nội dung thoát vị xuống, sửa lỗ thoát vị kín lại bằng cách đặt lưới. Tấm lưới này có những cái gai tự dính rất chắc, không cần không cần ghim. Nếu ghim hoặc khâu, nhất là nhất là khâu vào thần kinh thì sẽ khiến bệnh nhân rất đau. Nhưng tấm lưới tự dính nên người bệnh sẽ không bị đau” PGS.TS Đỗ Trường Sơn nói.

Đặc biệt, tấm lưới nhân tạo sử dụng để bịt lỗ thoát vị được làm từ chất liệu sinh học nên không có nguy cơ bị thải ghép sau phẫu thuật. Khoảng 2 ngày sau ca mổ, ông T đã có thể đi lại được và có cảm giác nhẹ nhàng hơn khi khối thoát vị được đẩy vào bên trong ổ bụng.

PGS.TS Đỗ Trường Sơn cho biết, nếu khối thoát vị thắt lưng không được đóng lại sớm thì càng ngày sẽ càng phình to, các tạng sa vào đó nhiều hơn và có thể dẫn tới tình trạng hoại tử ruột. Khi đó việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn. Những năm gần đây, với sự phát triển của kỹ thuật mổ nội soi và trình độ tay nghề của y bác sĩ, việc điều trị các bệnh lý thoát vị ổ bụng, thoát vị bẹn tại Bệnh viện E đã đạt được nhiều tiến bộ, giúp bệnh nhân được chẩn đoán bệnh chính xác và chữa trị một cách tốt nhất, an toàn và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.