Nạn nhân của việc chữa ung thư bằng "tin đồn"...

Trong khi các đơn vị y tế chính thống nỗ lực truyền tải những thông tin thực tế có tính khoa học, thì những "tin đồn" về tác nhân gây ung thư, những bài thuốc, phương pháp điều trị "thần kỳ"… cũng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.

Sau hơn 1 năm điều trị ung thư vú bằng thuốc Nam, những khối u trên cơ thể chị Trần Thị Hợi ở tỉnh Nam Định bị loét, bị vỡ. Chị Hợi phát hiện ung thư vú năm 2022 tại bệnh viện đa khoa tỉnh, gia đình đưa chị đến bệnh viện K để kiểm tra. Sau đó chị về nhà chữa bằng thuốc Nam, đắp lá vùng ngực trái. Thời gian tự điều trị tại nhà khối u 1 to hơn, cơ thể ngày càng yếu đi. 2 tháng gần đây, khối u bị vỡ, viêm loét, đau nhức nhiều nên người nhà mới đến bệnh viện để điều trị. "Tôi đi lấy thuốc từ mùng 4/9 năm ngoái đến tận tháng 6 mới vỡ, không có tiền, nhà neo người, giờ đi chữa bệnh còn con cái ở nhà, thôi thì chẳng cái gì bằng ở nhà mình. Lấy thuốc của ông lang về nhà đắp, ông này cũng nhiều người giới thiệu chứ không phải ít" - chị Hợi kể lại.

Điều trị tấn công bệnh ung thư ngày nay đã có rất nhiều tiến bộ, trong phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và cả những phương pháp mới như liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm đích. Nhiều bệnh nhân ung thư từ chối điều trị chỉ vì nghe lời đồn chung chung như “Động dao kéo sẽ làm ung thư di căn nhanh hơn” hoặc “Hóa trị làm bệnh tiến triển nặng hơn”.

Thêm vào đó, việc thiếu thông tin về tác dụng phụ và cách ứng phó cũng gián tiếp gây nên những hiểu lầm đáng tiếc về điều trị ung thư; nhiều bệnh nhân đã lo lắng nhiều hơn, hoặc bỏ điều trị chính thống để theo điều trị không đủ bằng chứng khoa học, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Ông Phạm Nhẫn, ở Hưng Yên phát hiện mắc ung thư thực quản giai đoạn sớm, chưa có dấu hiệu di căn năm ngoái. Tuy nhiên, do tâm lý sợ nằm viện nên ông không đi điều trị mà ở nhà tự tìm mua thuốc Nam để uống. Bệnh tình không đỡ mà càng ngày ông Nhẫn càng thấy sức khỏe suy giảm. Ông gần như không ăn uống được, gầy sút gần chục cân, chân đi không vững, khi đó ông mới đồng ý để gia đình đưa đi bệnh viện.

"Đầu tiên bảo người ở làng lấy hộ, tận trên Hòa Bình. Uống tới hơn gần 2 tháng, uống nhưng vẫn đi làm. Đến lúc yếu không đứng vững, vợ với chị gái bắt đi, không đi viện bao giờ nên cũng sợ" - ông Nhẫn cho biết

Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, qua thăm khám, các bác sĩ cho biết, khối u thực quản của ông Nhẫn đã di căn gan. Sau 4 lần điều trị hóa chất, ông đã ăn uống được, tăng cân. Lúc này, ông mới thấy hối tiếc đã không đi điều trị sớm hơn.

Đính chính các tin đồn

BS Phạm Anh Đức, đơn nguyên xạ trị theo yêu cầu, Bệnh viện ung bướu Hà Nội cho biết: Xạ trị được coi là 1 trong những phương pháp chính của điều trị ung thư. Tùy vào loại ung thư, giai đoạn bệnh mà sử dụng xạ trị với mục đích điều trị triệt căn, điều trị hỗ trợ, điều trị củng cố hoặc điều trị giảm nhẹ. Chỉ định xạ trị với từng bệnh nhân sẽ được quyết định dựa trên ý kiến hội chẩn đa chuyên khoa chứ không phải bệnh nhân nào cũng có thể xạ trị hoặc với bệnh nào cũng có thể xạ trị.

Một số thông tin không chính thống ảnh hưởng đến kết quả điều trị của bệnh nhân ví dụ 1 số người thì cho rằng phẫu thuật làm cho ung thư tiến triển nhanh hơn, di căn nhanh hơn, tiên lượng bệnh kém hơn hoặc xạ trị sẽ gây ra rất nhiều tác dụng phụ và thường người ta nghĩ xạ trị dùng cho bệnh nhân ở giai đoạn rất muộn hoặc những bệnh nhân ở giai đoạn không thể cứu chữa được. Người dân cũng thường được nghe là xạ trị thì sẽ không thể tiếp xúc với phụ nữ mang thai hoặc trẻ con do đó người dân thường có xu hướng xa lánh những người bệnh đang được xạ trị.

Giải đáp thông tin về thời gian tia xạ lưu lại trong cơ thể và người thân trong gia đình chăm sóc có bị nhiễm tia xạ không, BS Phạm Anh Đức chia sẻ: chúng ta có 2 phương pháp điều trị chính là xạ ngoài và xạ trong. Trong đó xạ ngoài đa phần các cơ sở y tế là chúng ta sử dụng xạ gia tốc. Xạ trong chúng ta cũng có 2 phương pháp là liều tải trước và liều tải sau.

Với phương pháp đầu tiên người ta sẽ cấy que phóng xạ trực tiếp vào trong cơ thể và bệnh nhân sẽ mang nguồn phóng xạ trong 1 khoảng thời gian để nguồn phóng xạ phát huy tác dụng. Phương pháp thứ 2 sẽ đặt các dụng cụ là đường ống dẫn để các chất phóng xạ có thể tác động vào những mô vào thời điểm xạ trị. Khi sử dụng phương pháp xạ ngoài, ngay khi bệnh nhân rời khỏi phòng xạ trị đã không còn việc lưu lại tia xạ như mọi người vẫn nghĩ.

Với phương pháp xạ liều tải sau thì bệnh nhân cũng không lưu phóng xạ gì trong cơ thể cả. Còn với trường hợp cấy các hạt phóng xạ hoặc que phóng xạ vào trong cơ thể thì các bệnh nhân đều được cách ly đến khi an toàn thì bệnh nhân mới trở lại cuộc sống thường ngày. Do đó khi tiếp xúc với những trường hợp bệnh nhân điều trị xạ trị thì mọi người hoàn toàn yên tâm.

Về việc xạ trị chỉ tập trung tia xạ vào một điểm, cụ thể là khối u, vậy các bộ phận trên đường tia xạ đi qua có bị ảnh hưởng gì không? "Những mô trên đường đi của tia xạ sẽ có ảnh hưởng tuy nhiên tác động chủ yếu vẫn là tại mô tập trung liều xạ trị" - BS Phạm Anh Đức, đơn nguyên xạ trị theo yêu cầu, Bệnh viện ung bướu Hà Nội khẳng định.

Các mô lành sẽ hồi phục rất nhanh do đó đa phần tác dụng phụ của xạ trị sẽ hồi phục sau khoảng 1 vài tuần, 1 vài tháng, rất ít trường hợp là một vài năm sau khi xạ trị.

Nhân đây, BS Phạm Ạnh Đức cũng khuyến cáo người bệnh: thông tin chuẩn nhất là những bác sĩ trực tiếp điều trị cho mình bởi bác sĩ điều trị sẽ nắm được tình trạng cụ thể bệnh, nắm được các giai đoạn về giải phẫu mô bệnh học, những tư vấn từ các cá nhân khác có thể chưa chính xác vì họ đang dựa trên những thông tin chưa đầy đủ.

Ngoài ra, những thông tin tham khảo chung liên quan đến kiến thức y khoa, người bệnh cần kiểm tra độ tin cậy trước khi quyết định tin tưởng vào những phương pháp đó.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần liên lạc với bác sĩ xạ trị ở tất cả các thời điểm mà mình thấy băn khoăn.

Với thời điểm trước điều trị, bệnh nhân có thể liên lạc lại với BS điều trị để xem mình cần chuẩn bị những gì để phục vụ cho điều trị hay không. Một số lưu ý, tôi có cần bỏ thuốc lá hay không, tôi có cần sử dụng phương pháp tránh thai hay không, có cần phải có chế độ ăn gì hay không hoặc cần điều trị bệnh phối hợp trước khi xạ trị hay không.

Trong quá trình mình xạ trị, thậm chí khi đang xạ trị nếu cơ thể có gì bất thường thì hoàn toàn có thể ra hiệu cho các kỹ thuật viên để nhân viên y tế nắm được thông tin và hỗ trợ mình. Sau khi kết thúc điều trị, cần theo dõi vấn đề tái phát, các tác dụng phụ của xạ trị để có hướng xử lý hợp lý nhất

Với những bệnh nhân có chỉ định điều trị, có thể hoàn toàn yên tâm bởi bây giờ điều trị ung thư sẽ có hội chẩn đa chuyên khoa để đưa ra lựa chọn điều trị tốt nhất cho người bệnh. Hơn nữa khi đã điều trị ở một cơ sở nào rồi thì tuyệt đối tin tưởng vào cơ sở điều trị đó, nếu người bệnh băn khoăn thì nên hỏi kỹ trước khi tiến hành điều trị vì nếu chưa tin tưởng thì quá trình điều trị cũng sẽ không diễn ra một cách tốt đẹp. Thứ 2 khi đã quyết định điều trị rồi thì theo dõi điều trị đến cùng, đặc biệt là xạ trị. Bởi vì bất cứ 1 gián đoạn nào trong quá trình xạ trị cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị "thậm chí có những trường hợp bệnh nhân đau miệng quá không ăn uống được thì bác sĩ Đức sẽ cho truyền dịch dinh dưỡng thay cho việc ăn đường miệng để làm sao việc xạ trị không bị gián đoạn 1 cách tối đa" - BS Phạm Anh Đức chia sẻ./.