Cửa hàng phở bò trên phố Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn đông khách ngay từ khi mở hàng lúc 5h sáng. Chỉ bán khoảng 6 tiếng, tức là đến 11h mà bà chủ cho biết là hết đến 3 tạ bánh phở. Để phục vụ kịp cho thực khách, thịt ở đây phải thái bằng máy, với đủ các loại bò từ nạm, gân, gầu bò… Nhiều người thậm chí từ xa nghe tiếng đến đây ăn, hay có khi phải chờ đợi lâu hơn các cửa hàng khác một chút những cũng nhẫn nại để được thưởng thức bát phở ưng ý.
Theo thống kê Hà Nội có khoảng 700 cửa hàng phở để phục vụ nhu cầu của các thực khách từ bình dân đến sang trọng, từ đơn giản đến cầu kỳ. Nhưng với những người sống ở một nơi coi phở như cơm ăn hàng ngày thì có lẽ dù mang phong cách nào thì cũng đều phải tròn vị.
Như chị Nguyễn Hương Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thích ăn phở bò tái chín. Và sở thích của chị là nước dùng thanh ngọt, được làm từ xương, không có mỳ chính. Bánh phở dẻo, mềm, thịt phải tươi ngon.
Phở là món ăn sáng hàng ngày, vì thế, có thể chỉ là một cửa hàng trong ngõ nhỏ, gắn chặt với thói quen sinh hoạt, điều kiện kinh tế, sở thích của một khu dân cư nào đó. Nhưng phở nhiều khi lại có ý nghĩa hơn cả một món ăn để no. Nhiều người gọi là thưởng thức phở. Họ cầu kỳ tìm kiếm, lựa chọn cửa hàng phở như một cách để khám phá.
“Tôi ăn rất nhiều vị phở khác nhau nên thấy hầu hết các quán phở đều ngon. Như phở đậm đà thì Tư lùn ở Hai Bà Trưng, phở mặn ở gầm cầu, còn phở ngậy bắt mắt như Thìn Lò Đúc, phở Lý Quốc sư, hay phở nước dùng trong chỉ hầm xương, ít gia vị là phở Khôi Hói, phở Hù Lợi”, anh Nguyễn Trung Kiên (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Và theo anh Kiên, một cách hay để phân biệt hương vị của hàng trăm cửa hàng phở chính là nếm những thìa nước dùng đầu tiên sau đó mới nêm nếm giấm tỏi, chanh ớt. Khi đó mới cảm nhận được vị phở nguyên chất.
Và nhắc đến phở không thể thiếu một yếu tố nữa khiến đây là một trong những món ăn được yêu thích nhất của người Hà Nội, đó là giá trị dinh dưỡng mà nó đem lại. Vì sao người Hà Nội thích ăn phở vào bữa sáng và phở cũng có thể ăn vào bữa trưa, bữa tối thay cho một bữa ăn thông thường?
PGS.TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết: năng lượng của một bát phở tương đương như một bữa ăn chính.
“Như phở bò cung cấp 500kCal, chúng ta ăn thêm 2 cái quẩy nữa là 700kCal. Như vậy là đủ cho 1 bữa sáng đầy đủ. Một bát phở có thể cung cấp chất đạm, chất bột đường carbon hydrat, chất béo lipid, vitamin và các loại.
Ví dụ nước dùng của phở được hầm từ xương có chưa chứa canxi, sắt, magiê, kali, glucosamin, colagen. Bánh phở chứa carbon hydrat tạo năng lượng cho hoạt động đặc biệt tốt cho buổi sáng.
Thịt bò cung cấp đạm, rau trong phở chứa nhiều vitamin khoáng chất nâng miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa và giúp ăn ngon miệng hơn”, PGS.TS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.
Nếu một người bình thường có thể ăn phở theo sở thích, với tần suất khoảng 3-4 lần/ tuần. Tuy nhiên, với những người thừa cân và colesterol cao thì cần cẩn trọng hơn một chút.
Vì năng lượng phở tương đương 1 bữa cơm chính nên người thừa cân có thể giảm bớt lượng bánh và thịt trong bát phở. Người colesterol cao thì thì nên dùng nước trong ít béo.
Ngoài ra, thời điểm ăn phở thích hợp nhất là vào bữa sáng, nên tránh ăn vào buổi đêm muộn, nhất là người thừa cân béo phì.
Thành phần chất xơ trong một bát phở cũng không cao nên PGS.TS Trương Hồng Sơn gợi ý có thể ăn thêm chút trái cây sau khi ăn phởi khoảng 30 phút.
Một vấn đề đáng lưu ý nữa là phở và các món ăn nước ta nói chung đều có xu hướng nấu ngày càng mặn.
“1 bát phở chín chứa 3,8g muối trong khi khuyến cáo của WHO mỗi ngày mỗi người sử dụng 5,9g muối. Như vậy ăn một bát phở đã chiếm 2/3 lượng muối cả ngày rồi. Vì thế, đừng cố ăn hết nước phở, vì muối chủ yếu có trong nước”, bác sỹ Trường Hồng Sơn khuyến cáo.
Xin mời nghe bài viết tại đây: