17h chiều, tại một phòng khám tai mũi họng ở phố Phương Mai, Hà Nội đã có nhiều trẻ đến khám. Trong đó, phần lớn là trẻ bị viêm tai giữa, lứa tuổi thường từ vài tháng đến dưới 6 tuổi.

Có những trẻ sau một thời gian điều trị khỏi Covid-19 nhưng các triệu chứng ho vẫn kéo dài dẫn đến bị viêm tai giữa. Song do bố mẹ chủ quan không cho trẻ đi khám ngay nên trẻ đã bị biến chứng nặng, như trường hợp của bé Nguyễn Bách Việt ở quận Đống Đa, Hà Nội. Bé bị ho, sổ mũi đến ngày thứ 3 cho đi khám thì tai đã mủ. “Bé đã điều trị nửa tháng nhưng mủ trong tai vẫn không bớt mà bây giờ lan sang cả hai tai, con phải đặt ống thông khí” – chị Nguyễn Thu Thủy – mẹ bé Việt cho biết.

Nội soi tai cho bé Nguyễn Khôi Nguyên, 5 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, bác sĩ đã bất ngờ khi trong tai bé đã có vài vết sẹo của những lần thủng màng nhĩ trước đó. Thậm chí, chị Bùi Lan Anh, mẹ bé đã không thể nhớ nổi số lần bé phải đi khám tai trước đó. “Con bị viêm tai giữa nhiều lần rồi. Lần đầu bị lúc nào thì không nhớ rõ, chắc lâu rồi. Cũng chủ quan, bị uống thuốc khỏi rồi thì lại cho đi bơi thì lại bị tiếp. lần này cũng bị thủng, màng nhĩ có dịch chảy ra. Thông thường uống kháng sinh 10-2 tuần

Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm tai giữa tăng thời gian gần đây

BS Đào Đình Thi – Trưởng khoa Nội soi, BV Tai mũi họng TW cho biết, trước đây, viêm tai giữa thường xuất hiện ở trẻ 1-3 tuổi nhưng hiện nay bệnh này ghi nhận cả ở trẻ lớn 12 tuổi.

Có 3 nguyên nhân khiến trẻ bị viêm tai giữa tăng thời gian gần đây:

- Thứ nhất là nhiều trẻ sau khi bị Covid-19, miễn dịch, đề kháng của trẻ suy giảm nên dễ bị viêm tai mũi họng, viêm tai giữa.

- Thứ hai, trẻ mới quay trở lại môi trường học hành, chưa kịp thích ứng nên dễ bị ốm, sốt dẫn đến mắc bệnh viêm tai giữa.

- Thứ 3, mùa hè, nhiều cha mẹ cho con đi bơi, khi nước ở bể bơi bị ô nhiễm chảy vào mũi trẻ, khiến cho trẻ bị viêm mũi. Sau đó trẻ xì mũi nhiều gây thủng màng nhĩ, nước ở bể bơi tiếp tục chảy vào tai gây ra tình trạng viêm tai giữa cho trẻ.

Nguyên nhân trẻ bị viêm tai giữa kéo dài

Theo BS Đào Đình Thi, không có khái niệm trẻ bị viêm tai giữa tái đi tái lại mà gọi đó là bị viêm tai giữa kéo dài. Nguyên nhân của tình trạng này là do cha mẹ cho con điều trị tai mũi họng chưa triệt để. “Trẻ bị viêm tai giữa, quan trọng nhất là phải điều trị ổn định viêm tai mũi họng. Ví dụ, trong trường hợp trẻ đã bị viêm mũi mà đã viêm vào xoang thì thường hay kéo dài thì phải điều trị cho khỏi viêm xoang đi, sau đó, bệnh sẽ dần thuyên giảm. Còn trong trường hợp viêm quá nhiều trẻ đã điều trị nội khoa nhưng đáp ứng kém, thậm chí viêm lại trên 5 lần/năm, gây ra biến chứng như viêm tai lên sọ não thì phải phẫu thuật nạo VA cho trẻ, trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ phải đặt thêm ống thông khí cho trẻ” – BS Đào Đình Thi cho biết.

Những biến chứng của bệnh viêm tai giữa

Trong những đợt cấp của bệnh viêm tai giữa, có thể xảy ra những biến chứng đối với trẻ nếu không được điều trị kịp thời:

- Thứ nhất là làm sơ dính hộp nhĩ hoặc làm xương con bị ăn mòn… và làm phá hủy cấu trúc của xương con, làm cho trẻ nghe kém. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu ngôn ngữ bằng âm thanh của trẻ và khiến trẻ tự ti khi lớn lên.

- Thứ hai, trẻ có thể bị biến chứng viêm xương, viêm màng não, viêm não.

Phòng ngừa và dấu hiệu nhận biết bệnh viêm tai giữa ở trẻ

Khi cho trẻ đi bơi, cha mẹ nên chuẩn bị cho trẻ nút bịt tai. Trẻ tắm thì nhớ lau khô tai. Còn đối với trẻ đã bị viêm tai giữa mạn tính, BS Đào Đình Thi khuyên cha mẹ không nên cho trẻ đi bơi.

Trong trường hợp trẻ viêm tai giữa mà màng nhĩ không thủng thì vẫn ngoáy tai như các trẻ bình thường. Còn nếu trẻ bị thủng màng nhĩ, thông tai giữa với cả môi trường bên ngoài thì khi vệ sinh tai cho trẻ phải hết sức cẩn thận bởi vì nếu có nước vào sẽ kéo theo vi khuẩn từ ống tai vào và nó lại gây ra một đợt viêm tai giữa” – BS Đào Đình Thi lưu ý các cha mẹ khi vệ sinh tai cho trẻ.

Hiện nay, những triệu chứng của viêm tai giữa cũng thay đổi. Nếu trước đây, trẻ bị sốt cao mới bị viêm tai giữa thì hiện nay, trẻ chỉ cần sốt nhẹ thôi cũng đã có thể dễ dẫn đến viêm tai giữa. Vì vậy, để tránh viêm cấp thì nếu trẻ bị viêm mũi sau 5 ngày không đỡ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay. Còn đối với trẻ bị viêm tai giữa mạn tính thì nên đi khám ngay nếu có biểu hiện của viêm mũi.

Trẻ sơ sinh, chưa biết nói thì cha mẹ có thể nhận biết một số dấu hiệu bệnh viêm tai giữa ở trẻ là trẻ bị viêm tai mũi họng, thứ hai là trẻ quấy hơn so với mức độ bình thường hay thỉnh thoảng trẻ lấy tay vò lên tai hay đầu, thỉnh thoảng lúc lắc hay khóc thét.