Nhằm thảo luận phương án phối hợp liên ngành thúc đẩy việc nhân rộng các sáng kiển về phát triển trẻ toàn diện giai đoạn đầu đời tại Việt Nam, sáng nay - 23/5, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, trường Đại học Monash Úc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng đã tổ chức Hội thảo “Phát triển toàn diện trẻ em: Sử dụng bằng chứng khoa học để thúc đẩy chính sách và thực hành ở Việt Nam”.

Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ của chương trình giáo dục kỹ năng làm mẹ tích cực dành cho công nhân khu công nghiệp có tên gọi "Hành trình đầu đời". Chương trình tập trung đào tạo kỹ năng làm cha mẹ tích cực tập trung vào 1000 ngày đầu đời của trẻ với 9 nội dung: chăm sóc thai kỳ, chuẩn bị chuyển dạ và sinh nở, chăm sóc trẻ sơ sinh, phòng tránh thương tích cho trẻ em, các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, cách chơi phát triển trí thông mình của trẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, cách cho trẻ ăn bổ sung, phòng tránh trầm cảm cho phụ nữ mang thai và sau sinh, bình đẳng giới… Ths Trần Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho biết: Sau 4 năm triển khai ở Hà Nội và Hà Nam, nhóm thực hiện chương trình đã tiến hành khảo sát và thấy rằng có sự khác biệt rõ rệt giữa nhóm trẻ được hưởng lợi từ sự can thiệp với những trẻ được nuôi dưỡng theo phương pháp truyền thống mà cha mẹ không tham gia sinh hoạt câu lạc bộ.

Kết quả mô hình suốt 4 năm qua cho thấy, trẻ có cha mẹ tham gia câu lạc bộ thì sẽ có chỉ số phát triển về nhận thức, ngôn ngữ, vận động thô và vận động tinh cao hơn so với nhóm trẻ mà cha mẹ không tham gia câu lạc bộ này. Đồng thời, cha mẹ tham gia mô hình này sẽ chăm sóc con tốt hơn, thay đổi hành vi tốt hơn. Và, đặc biệt hơn nữa là người cha tham gia vào toàn bộ quá trình nuôi con và chia sẻ gánh nặng đối với vợ và tôi nghĩ đó là điều hạnh phúc cho một đứa trẻ khi thường xuyên có sự gắn kết với cha. Cha ở bên con, con sẽ tự tin hơn, con sẽ hạnh phúc hơn và con sẽ hiểu được nhiều giá trị của cuộc sống ngoài những gì mà mẹ chia sẻ. Do vậy, đây là mô hình mà có tác động đến cộng đồng” - Ths Trần Thị Thu Hà cho biết.

Nếu như ở Hà Nam, chương trình can thiệp bằng cách dạy trực tiếp cho ông bà, cha mẹ, người chăm sóc trẻ thông qua các buổi sinh hoạt CLB ở địa phương hay tại các trạm y tế tuyến xã phường khi cha mẹ đưa trẻ đi khám hay tiêm chủng thì ở Hà Nội, chương trình tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp thông qua các buổi học online. Kết quả đã có khoảng 1000 công nhân mang thai và nuôi con nhỏ dưới 2 tuổi đã tham gia khóa học trực tuyến và thay đổi hành vi.

Tham gia khóa học của dự án, công nhân hiểu rất rõ nòng cốt của chương trình này là trợ giúp họ, khuyến khích, động viên công nhân thực hành tốt việc nuôi dạy con em mình. Cùng với đó hướng dẫn cho công nhân trong nhà máy lan tỏa đến các công nhân khác nội dung chương trình này. Thực tế, không ít cha mẹ tham gia chương trình đã cải thiện cách chăm sóc nuôi dạy trẻ phát triển toàn diện và khỏe mạnh hơn" - Bà Đỗ Hồng Vân – Trưởng Ban nữ công – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã khẳng định, đây là chương trình mang lại nhiều lợi ích thiết thực với mức chi phí thấp, có thể tác động đến toàn bộ các gia đình Việt Nam và thời gian tới cần có sự phối hợp liên ngành để tiếp tục nhân rộng ra toàn quốc.

Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ hơn 45% trẻ từ 6-23 tháng tuổi được ăn bổ sung đúng cách. Chính những sai lầm trong cách trong cách chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ là nguyên nhân khiến 1,9 triệu trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị thấp còi, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và trí não của trẻ.