PGS-TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – BV Bạch Mai – cho biết, trong số các bệnh nhân nhiễm HIV mới hiện đang điều trị tại trung tâm thì số người trẻ (trong độ tuổi 20-30) chiếm khoảng 70%. Đặc biệt, có trường hợp mới 15 tuổi đã nhiễm HIV do lây qua đường tình dục. Đây là thực trạng rất đáng lo ngại và đáng báo động.

PGS-TS Nguyễn Duy Cường phân tích, trước đây HIV/AIDS được coi là một đại dịch và là căn bệnh chết người. Sau hơn 40 năm, đã có những bước tiến lớn trong phòng và điều trị HIV/AIDS, người nhiễm có thể sống, học tập và làm việc gần như bình thường. Tuy nhiên, vẫn chưa thể coi HIV/AIDS là bệnh mạn tính thông thường. Những hệ lụy do căn bệnh này gây ra vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe, tâm lý, cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là người trẻ và gia đình họ.

“Mặc dù hiện nay đã có thuốc điều trị, giúp tải lượng HIV trong máu người bệnh giảm xuống mức dưới ngưỡng phát hiện, giúp người bệnh khỏe mạnh gần như bình thường nhưng rõ ràng virus vẫn không được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi cơ thể. Người nhiễm HIV vẫn có những khó khăn nhất định trong công ăn việc làm, hòa nhập xã hội. Làm thế nào để lấy vợ, lấy chồng và sinh con ra không bị lây nhiễm HIV hoặc chung sống hoàn toàn với gia đình cũng không phải là một điều dễ dàng đối với người bệnh.”

Về mặt xã hội, HIV/AIDS vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng và là gánh nặng cho ngành y tế. Đặc biệt, khi độ tuổi nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa, việc dự phòng, điều trị căn bệnh này cũng sẽ đặt ra những thách thức mới.

PGS – TS Đỗ Duy Cường cho biết, việc điều trị HIV ở người trẻ thường gặp một số khó khăn như: mặc dù bệnh nhân trẻ thường đáp ứng thuốc tốt hơn, tuy nhiên sau một thời gian điều trị, người bệnh thấy sức khỏe bình thường nên dễ lơ là, chủ quan, bỏ thuốc, điều trị.

Người trẻ cũng thường có những hành vi nguy cơ cao như quan hệ tình dục không an toàn, một số bạn trẻ còn sử dụng ma túy và các chất gây nghiện. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc tuân thủ điều trị và dẫn đến nguy cơ kháng thuốc.

“Nhiễm HIV từ khi còn trẻ nghĩa là các bạn phải sử dụng thuốc ARV lâu dài hơn. Thuốc có tác dụng tốt trong việc giảm tải lượng virus trong máu, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và giúp người nhiễm có sức khỏe gần như bình thường. Song dùng càng lâu thì thuốc sẽ càng gây ra nhiều tác dụng phụ và nguy cơ kháng thuốc cũng tăng lên. Đấy là vấn đề mà ngành y tế sẽ phải đứng ra giải quyết, phải đối mặt với những bệnh lý mới trong nhóm thanh niên nhiễm HIV”- PGS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

Trước sự thay đổi hình thái lây nhiễm cũng như tình trạng trẻ hóa người nhiễm HIV tại nước ta, PGS – TS Đỗ Duy Cường cho rằng cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho thanh thiếu niên về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.

“Có những cháu còn rất trẻ, thiếu hiểu biết, ngây thơ nghĩ rằng quan hệ tình dục qua đường hậu môn thì không bị lây nhiễm HIV. Do đó, cần phải hướng dẫn cho các bạn trẻ thế nào là quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, chất bôi trơn đúng cách, nhất là đối với nam quan hệ tình dục đồng giới. Đồng thời cũng cần có những chiến dịch, những buổi tập huấn về điều trị dự phòng để tăng cường sự hiểu biết của các bạn trẻ về phòng lây nhiễm HIV. Về lâu dài cần có chiến lược tuyên truyền, định hướng về cuộc sống tương lai cho các bạn trẻ nhiễm HIV, cần có những chính sách quan tâm đến nhóm này” – vị chuyên gia truyền nhiễm nêu ý kiến.