Cách đây 2 ngày, chị Thu Lan ở Ba Đình, Hà Nội bỗng thấy ngứa ở vùng cổ và bả vai. Theo phản xạ, chị Lan đưa tay gãi, tuy nhiên vết móng tay gãi đến đâu vùng da bị rộp đỏ đến đó. Và chỉ sau nửa ngày, vết thương đã mưng mủ và vỡ loét.

"Nguyên vùng cổ là cứ gãi đến đâu thì da nó rộp đến đó, mình sợ quá không dám gãi ở vùng bả vai nữa mà chỉ xoa xoa thì các vết ở bả vai nó rộp vài chỗ thôi, chứ ở cổ thì bị lan rộng mà rát"- chị Lan kể.

Sợ để lâu sẽ tổn thương thành sẹo nên chị Lan đi khám ở Bệnh viện Da liễu Hà Nội và được bác sỹ chẩn đoán bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.

Theo BS CKII Nguyễn Thị Ngọc Yến - Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, do chất độc của kiến ba khoang tồn tại ở vết thương nên khi người bệnh đưa tay gãi, vô hình chung làm chất độc lan rộng trên da và ngấm sâu vào trong. Đây là một sai lầm thường gặp ở những bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.

"Kiến ba khoang có dịch tiết độc nên khi tiếp xúc với da sẽ gây viêm, bỏng da. Do đó, khi bị đốt không nên gãi hoặc động vào kiến, tránh trường hợp chất độc bị lan rộng và nhiễm trùng"- BS Yến lưu ý.

Còn trường hợp của anh N.T.D ở Kim Mã đã bị loét trợt rộng ở vùng mắt và cổ do tự ý điều trị tại nhà. Ban đầu khi thấy nốt rộp ở mắt và cổ, anh D tưởng bị zona nên đã tự ý mua thuốc về bôi. Tuy nhiên sau 4 ngày tình trạng bệnh không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng. Một bên mắt trái của anh sưng húp và đau rát, lúc này anh D mới đi bệnh viện khám.

BS Nguyễn Thị Ngọc Yến cho biết, 1 tuần trở lại đây trung bình mỗi ngày Bệnh viện Da liễu Hà Nội tiếp nhận 5-10 trường hợp bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, bệnh nhân được ghi nhận ở nhiều lứa tuổi. Đặc biệt tăng cao vào thời điểm trước những ngày mưa. Đáng lưu ý, rất nhiều trường hợp nhầm lẫn bệnh viêm da do kiến ba khoang với bệnh zona (bệnh nhiễm trùng da do vi rút) nên việc điều trị không đem lại hiệu quả.

Để phân biệt viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và bệnh zona thần kinh, BS Yến đưa ra một vài điểm đặc trưng như sau: "Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể với biểu hiện cấp tính như ngứa, rát tại vùng tổn thương. Khi gãi sẽ làm vết thương lan rộng. Còn bệnh zona thường chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể, lan dọc theo các dây thần kinh thành đám rộp nước. Bệnh thường tiến triển từ từ, ban đầu có thể chỉ là cảm giác đau mỏi, sau đó mới nổi các nốt rộp nước".

Theo BS Nguyễn Thị Ngọc Yến, triệu chứng phồng rộp da, nổi mụn nước, hoặc mụn mủ do tiếp xúc với kiến ba khoang có thể xuất hiện sau khoảng từ 12 - 36 giờ. Nếu không chữa trị, tình trạng viêm sẽ tiến triển sang loét, khi đó những tổn thương này sẽ có hình dạng là đường thẳng dài, hay hình chữ Y tùy theo cách độc chất tiếp xúc với vùng da. Nếu không biết cách điều trị hoặc điều trị sai sẽ dẫn đến tình trạng sẹo lõm, sẹo thâm, sẹo mất sắc tố, đặc biệt ở vùng mặt gây ảnh hưởng rất lớn đến tính thẩm mỹ.

Chính vì vậy, BS Yến khuyến cáo, nếu phát hiện trong nhà có kiến ba khoang hoặc tiếp xúc với chúng, chúng ta cần chú ý những điều sau:

-Kiến ba khoang không tấn công mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây viêm da dị ứng. Nếu phát hiện có kiến thì nhẹ nhàng di chuyển chúng ra khỏi đồ dùng (dùng 1 tờ giấy cho kiến bò sang rồi di chuyển chúng sang nơi khác)....

-Buổi tối cần phải đóng cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ có lỗ thoát khí. Hoặc buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài để không thu hút kiến ba khoang. Sử dụng bình xịt côn trùng gia dụng, xịt vào các chân tường, bậc cửa ra vào, cửa sổ để ngăn kiến bò vào nhà.

-Khi kiến rơi hoặc bò lên da không nên dùng tay giết mà nên thổi cho kiến bay đi tránh để dịch tiết của nó dính vào da.

-Nếu phát hiện vừa tiếp xúc với dịch tiết của kiến thì nhanh chóng rửa chỗ tiếp xúc dưới vòi nước. Khi vùng da đó bắt đầu thấy đau, rát thì dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như oxit kẽm, mỡ kháng sinh rồi đến các cơ sở y tế để được chỉ định điều trị thêm.