Nguy cơ sức khỏe âm thầm và dai dẳng từ gia vị giả

Khi những vụ việc liên quan đến thực phẩm chức năng, sữa hay dầu ăn giả còn chưa hạ nhiệt, thì mới đây, thông tin cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ hơn 70 tấn gia vị giả (gồm 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm và 9 tấn bột canh) tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thực phẩm bị làm giả một cách tinh vi, đang len lỏi vào từng bữa cơm gia đình.

Điều đáng nói, đây đều là những loại gia vị quen thuộc, được sử dụng hằng ngày, từ trẻ nhỏ đến người lớn, từ bữa cơm gia đình cho đến bếp ăn tập thể. Sự hiện diện của chúng dưới dạng giả, nhái, không rõ nguồn gốc khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Dũng - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, việc tiêu thụ gia vị giả không chỉ gây rối loạn tiêu hóa tức thời, mà còn có thể dẫn đến ngộ độc mạn tính với nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Gia vị giả thường được sản xuất từ nguyên liệu trôi nổi, không kiểm định, có thể chứa kim loại nặng gây tổn thương gan, thận, thần kinh trung ương. Một số loại còn được pha trộn với phụ gia công nghiệp như natri sulfat hay sodium carbonate – vốn không được phép dùng trong thực phẩm. Khi tích lũy trong cơ thể, các chất này có thể gây suy gan, suy thận, giảm miễn dịch, thậm chí tăng nguy cơ ung thư.

Không chỉ vậy, nguyên liệu không rõ nguồn gốc còn dễ bị nhiễm vi sinh vật, nấm mốc sinh độc tố như aflatoxin – một chất gây ung thư gan cực mạnh, không bị phân hủy ngay cả khi nấu chín. Ngoài ra, các phản ứng dị ứng như phát ban, buồn nôn, đau đầu cũng có thể xảy ra khi người tiêu dùng vô tình dùng phải sản phẩm bị làm giả bằng hóa chất.

Phẩm màu công nghiệp - sát thủ vô hình trong bếp ăn

Gần đây nhất vào hồi tháng 4, lực lượng quản lý thị trường tạm giữ lô gia vị trôi nổi, trong đó có muối tôm, ớt bột, nghệ bột và tiêu xay nghi nhuộm phẩm màu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm cho thấy một số mẫu chứa chì - kim loại cực độc và Rhodamine B - chất nhuộm huỳnh quang cấm tuyệt đối trong thực phẩm.

Theo PGS Nguyễn Quang Dũng, chì có thể tích lũy lâu dài trong cơ thể, đặc biệt ở trẻ nhỏ, gây rối loạn phát triển trí tuệ, rối loạn hành vi, thiếu máu và tổn thương gan thận. Rhodamine B là chất được chứng minh có khả năng gây ung thư gan, tuyến tụy, bàng quang, và không phân hủy ngay cả khi đun nấu ở nhiệt độ cao. Nguy hiểm hơn, đây là những chất không gây ngộ độc cấp tính ngay lập tức, nhưng tích lũy âm thầm và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.

Loại gia vị nào dễ bị làm giả nhất?

Trong số các loại gia vị, ớt bột và nghệ bột là hai nhóm có nguy cơ bị làm giả và gây độc cao nhất. Do có màu sắc đặc trưng, những loại này thường bị nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp như Rhodamine B, Sudan hoặc Metanil Yellow để làm tăng độ tươi, bắt mắt. Nhiều sản phẩm còn bị pha trộn với bột gạch, bột đất hoặc bột màu rẻ tiền để tăng trọng lượng, cực kỳ khó nhận biết bằng cảm quan thông thường.

Tiêu xay cũng không nằm ngoài danh sách khi bị trộn với bột từ vỏ trấu, bụi gỗ hoặc bã cà phê. Trong khi đó, nước mắm giả lại được tạo từ hóa chất tổng hợp thay vì lên men từ cá, có thể chứa nitrosamine - chất có khả năng gây ung thư. Còn hạt nêm giả thường chứa chất tăng vị công nghiệp hoặc các tạp chất thay thế bột ngọt (MSG), có thể kích ứng hệ tiêu hóa, gây dị ứng.

Làm sao để nhận biết gia vị giả?

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng khuyến cáo người tiêu dùng cần đặc biệt cảnh giác với các dấu hiệu sau:

-Giá rẻ bất thường: Nếu một gói gia vị có giá thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, cần đặt dấu hỏi về chất lượng.

-Bao bì mờ, sai chính tả, thiếu thông tin: Những lỗi như tem nhãn bị cắt, mã QR không quét được, không ghi nơi sản xuất… là dấu hiệu nghi ngờ.

-Màu sắc và mùi vị bất thường: Gia vị có màu quá rực, ánh huỳnh quang, mùi hắc hoặc quá thơm thường chứa phẩm màu hoặc hương liệu công nghiệp.

-Không rõ nguồn gốc: Tránh mua các sản phẩm bán lẻ, không nhãn mác tại chợ hoặc qua mạng không uy tín.

“Gia vị là thứ đi vào cơ thể mỗi ngày. Chúng ta không nên đánh đổi sức khỏe lấy vài nghìn đồng chênh lệch,” - bác sĩ Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh. Gia vị giả không chỉ gây hại cho sức khỏe cá nhân mà còn đe dọa an toàn thực phẩm toàn xã hội. Mỗi người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, chọn mua thông minh và cùng góp phần ngăn chặn nạn thực phẩm giả lan rộng trong cộng đồng.