Trước tình hình diễn biến phức tạp hơn của dịch Covid-19, nhu cầu điều trị tăng, chính quyền lập nhiều phương án ứng phó, đặc biệt cho F0 cách ly tại nhà theo Phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn do UBND thành phố ban hành ngày 2/12.

Theo hướng dẫn mới, F0 điều trị tại nhà cần thực hiện tự theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào phiếu theo dõi sức khỏe hai lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có các dấu hiệu, triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu. Các chỉ số quan trọng như nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp.

Đối với người lớn sốt trên 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều cần uống mỗi lần một viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5 g, có thể lặp lại mỗi 4 đến 6h, ngày không quá 4 viên, uống oresol hoặc có thể dùng uống thay nước. Đối với trẻ em sốt trên 38,5°C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10 15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4 đến 6h, ngày không quá 4 lần.

Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt hai lần không đỡ, người bệnh cần thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà để phối hợp xử lý.

Những dấu hiệu trở nặng cần liên hệ y tế ngay, gồm khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào. Nhịp thở tăng, ở người lớn >21 lần/phút; trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi > 40 lần/phút; trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi > 30 lần/phút. SpO2 < 95% (nếu có thể đo), mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút...

Một số dấu hiệu khác như đau thắt ngực, khó thở khi vận động; không thể nói đủ câu; lẫn lộn về thời gian, địa điểm; da xanh môi nhợt; không tự đi, cầm nắm, ăn uống được; lạnh đầu ngón tay, ngón chân...

Nhân viên y tế phát 3 gói thuốc để điều trị F0 tại nhà theo triệu chứng. Gói thuốc A, dành cho F0 trên 18 tuổi bao gồm paracetamol, vitamin C. Gói thuốc B dành cho F0 trên 18 tuổi bao gồm dexamethason hoặc methylprednisolone, rivaroxaban. Không uống nếu có thai, cho con bú hoặc có một trong các bệnh về dạ dày (bao tử), bệnh gan, bệnh thận hay dễ chảy máu. Gói thuốc C gồm thuốc kháng virus molnupiravir.

Ngoài ra, F0 chuẩn bị thêm các thuốc cân bằng điện giải, thuốc hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng, sát khuẩn hầu họng, máy đo SpO2, nhiệt kế, máy đo huyết áp, găng tay, cồn, kính chống giọt bắn...

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nhận định vấn đề chăm sóc, điều trị F0 tại nhà thế nào phụ thuộc vào lượng bệnh nhân nhiều hay ít. Ông cho rằng số ca nhiễm tại Hà Nội chênh lệch nhiều so với TP HCM. Hồi tháng 7, TP HCM ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm một ngày, trong khi số ca tại Hà Nội một tháng qua, trung bình chỉ ghi nhận khoảng 300-400 ca một ngày. Vì vậy, một số vấn đề chăm sóc F0 tại nhà ở Hà Nội không hoàn toàn giống TP HCM.

Bác sĩ cho rằng, với Hà Nội, vấn đề quan trọng là tổ chức hệ thống y tế hỗ trợ từ bên ngoài tốt. F0 phải liên lạc được với y tế khi cần thiết, cùng với đó, hệ thống y tế hàng ngày cần nắm bắt, cập nhật được tình hình sức khỏe của người bệnh, phát hiện kịp thời dấu hiệu trở nặng để đưa đến cơ sở y tế, tránh bị mất dấu F0.

Đây cũng là quan điểm của bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1. Theo ông Khanh, khi thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà rất cần có tổ y tế cộng đồng, thành lập đường dây tư vấn, phân tích ngay đối tượng nguy cơ và theo sát.

Trước đó, Hà Nội đã công bố phương án tổ chức điều trị đáp ứng 100.000 ca bệnh. Lãnh đạo thành phố cho hay, nếu xuất hiện 30.000 ca bệnh trở lên, Hà Nội sẽ chia ra 4 cấp độ điều trị cho các F0. Trong đó, bệnh viện thành phố cấp độ 1; bệnh viện tuyến quận, huyện cấp độ 2; trung tâm y tế xã, phường, thị trấn cấp độ 3; cấp độ 4 là điều trị tại nhà.